Lào Cai: Đẩy mạnh siết chặt quản lý nước thải tại các khu vực khai khoáng

Ngày đăng: 19/06/2023 354 lượt xem

Tác động của khai thác khoáng sản tới môi trường

Theo thông kê của Sở TNMT tỉnh Lào Cai, Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 82 tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản. Theo quy định của pháp luật , các dự án khai thác khoáng sản, trước khi được cấp Giấy phép khai thác phải lập báo cáo ĐTM, cam kết bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Về cơ bản, các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản đều nghiêm túc thực hiện các hồ sơ thủ tục về môi trường như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và Phương án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Lào Cai đang có 102 báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt. Trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường

thẩm định và phê duyệt 28 dự án, UBND tỉnh Lào Cai thẩm định và phê duyệt 74 dự án.

Với chủ trương không đánh đổi môi trường với kinh tế, những năm gần đây tỉnh Lào Cai đã siết chặt việc quản lý nước thải tại các khu vực khai khoáng trên địa bàn.

Trong khai thác khoáng sản, một vẫn đề phát sinh ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đó chính là nước thải, bởi nước thải trong khai thác khoáng sản có chứa rất nhiều tác nhân gây hại cho môi trường như: A xít, kim loại nặng là sắt, thủy ngân, đồng…

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai, nước thải phát sinh trong hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu nước mặt chảy tràn, nước thải sinh hoạt. Ngoài ra, đối với các dự án khai thác và tuyển quặng còn phát sinh nước thải trong quá trình tuyển quặng. Về cơ bản, trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp đã đầu tư các công trình xử lý nước thải nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Hệ thống thu gom nước mặt chảy tràn trong quá trình khai thác sau đó được lắng qua các hố lắng trước khi chảy ra ngoài môi trường; nước thải sinh hoạt được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý bằng hệ thống các bể tự hoại 03 ngăn. Đối với doanh nghiệp khai thác và tuyển kim loại như đồng, vàng, sắt, Graphit.. thì đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải trong quá trình tuyển bằng hệ thống hồ thải tuyển, nước thải sau quá trình tuyển cơ bản được tuần hoàn để phục vụ cho quá trình sản xuất, phần còn lại được xả ra ngoài môi trường.

Nước thải tại các khu vực khai khoáng nếu không được xử lý sẽ là nguồn ô nhiễm lớn cho môi trường.

Siết chặt quản lý nguồn thải trong khai khoáng

Để có thể xả nước thải ra ngoài môi trường các đơn vị khai thác khoáng sản phải có giấy phép do cấp có thẩm quyền cấp. Hiện nay cơ bản các doanh nghiệp khai thác và tuyển quặng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã lập hồ sơ xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước với quy chuẩnc cho phép của Bộ TN&MT.

Bên cạnh các doanh nghiệp đã có ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc các quy định như: Chưa đầu tư đầy đủ các hạng mục công trình thu gom xử lý nước thải; chưa lập hồ sơ cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước…

Để chấn chỉnh công tác quản lý và bảo vệ môi trường nói chung cũng như công tác quản lý nước thải nói riêng trong hoạt động khai thác khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành trung ương cũng như các Sở, Ngành có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về BVMT.

Năm 2019 Sở TNMT tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường và một số Sở, Ban, Ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh kiểm tra một số cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản. Qua kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp không chấp hành đúng các quy định như: Công ty CP đầu tư Vạn Thắng xử phạt với tổng số tiền 122 triệu đồng; Công ty Cổ phần đồng Tả Phời xử phạt với tổng số tiền 750 triệu đồng…

Để môi trường không bị đe dọa cần sự chung tay của chính quyền địa phương và nhận thức đúng đắn của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ngành trung ương và các Sở, Ngành có liên quan, chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT; đôn đốc các cơ sở thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, giám sát khí thải, nước thải nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Với chủ trương “Không đánh đổi môi trường với kinh tế”, tỉnh Lào Cai đã từng bước siết chặt quản lý về khai thác khoáng sản, xử lý nước thải trong khai khoáng. Qua đó, xử lý kịp thời, kiên quyết ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng nước thải chưa được xử lý thải trực tiếp ra môi trường.

Nguồn : Internnet