Thế giới chống biến đổi khí hậu như thế nào

Ngày đăng: 20/09/2020 366 lượt xem

Nước là tiền đề cho sự sống trên Trái Đất, quyết định sự tồn tại của con người và các sinh vật trên Trái Đất bởi không một sinh vật nào có thể tồn tại nếu thiếu nước.

Nước có vai trò thiết yếu đối với phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, an ninh lương thực và lành mạnh hệ sinh thái, cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu để giảm gánh nặng toàn cầu bệnh tật và cải thiện sức khỏe, phúc lợi và năng suất của cộng đồng.

Được sử dụng nước sạch và hệ thống vệ sinh trong sinh hoạt được công nhận là một trong những quyền cơ bản của con người.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, thế giới hiện có 2,2 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch, cho thấy một chặng hành trình còn khá dài và trắc trở của cộng đồng thế giới để có thể tiến tới thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6, đó là đảm bảo nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Ngày Nước Thế giới 22/3 năm nay, với chủ đề “Nước và Biến đổi khí hậu” đã chỉ rõ rào cản lớn nhất đối với việc bảo đảm nguồn nước cho thế giới.

Tháng trước, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) thông báo dòng chảy của sông Colorado giảm 20% so với thế kỷ trước. Sông Colorado là nguồn nước cho hơn 40 triệu người sống tại 7 bang miền Tây Nam nước Mỹ, trong đó có các thành phố lớn như Denver, Los Angeles, Las Vegas và San Diego, cũng như các trang trại ở Mỹ và Mexico cung cấp nông sản cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

Đây là dòng sông hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ USD hoạt động kinh tế mỗi năm và theo USGS cảnh báo “Nếu mất đi dòng sông này, các thành phố của Mỹ ở Tây Nam sẽ khô cạn và biến mất.”

Sông Colorado không phải là nguồn nước duy nhất trên thế giới đang bị đe dọa. Một báo cáo gần đây của Đại học Rutgers, Mỹ, cho biết tình trạng nước biển dâng đang làm nhiễm mặn sông Delwar, nguồn nước uống của thành phố Philadelphia.

Hồ Poopó của Bolivia vào đầu năm 2016 đã cạn kiệt gần như hoàn toàn sau nhiều năm mực nước liên tục suy giảm, kéo theo một thảm họa đối với động vật hoang dã và hoạt động đánh bắt cá của người dân lân cận.

Hồ Chad, một trong những hồ lớn nhất trên thế giới, cũng biến mất sau nhiều thập niên cạn dần nguồn nước, đẩy khoảng 30 triệu người ở Chad, Cameroon, Niger và Nigeria rơi vào một cuộc khủng hoảng lương thực.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của các nguồn nước, bao gồm cả yếu tố con người và tự nhiên, nhưng các nhà khoa học nhận thấy rằng biến đổi khí hậu là tác nhân chủ yếu.

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên, từ đó gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, làm giảm nguồn nước, giảm khả năng dự báo nguồn nước, giảm chất lượng nước và đe dọa sự phát triển bền vững, đa dạng sinh học và quyền con người được hưởng nước sạch và vệ sinh an trên toàn thế giới.

Trong khi tài nguyên nước bị đe dọa, dân số thế giới tăng lên lại đẩy nhu cầu về nước tăng, kéo theo đó là nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên này ngày càng cao cũng như tác động tiêu cực đến môi trường.

Nhìn xa hơn, tình trạng thiếu nguồn nước còn dẫn tới một nguy cơ đáng sợ, đó là sự gia tăng các cuộc xung đột bạo lực bắt nguồn từ an ninh nguồn nước. Một bài báo trên DW ước tính các cuộc xung đột liên quan đến nước đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm qua so với các thập niên trước.

Cuối năm 2019, Viện Tài nguyên thế giới hợp tác cùng nhiều tổ chức quốc tế đã phát triển Công cụ cảnh báo sớm toàn cầu về nước, hòa bình và an ninh – một giao diện trực tuyến phân tích dữ liệu về xung đột bạo lực, cũng như hàng chục chỉ số kinh tế, môi trường và xã hội, để giúp xác định các điểm nóng có khả năng chuyển sang xung đột bạo lực trong năm.

Kết quả cho thấy khi xác định nơi các vấn đề có thể nổ ra, nguồn nước là một yếu tố quan trọng làm bùng phát những cuộc xung đột. Hạn hán là một trong những yếu tố thúc đẩy cuộc xung đột bạo lực ở Darfur (Sudan) hay bất ổn ở Mali.

Chủ đề của Ngày Nước thế giới 2020 – Nước và Biến đổi khí hậu – đã được lựa chọn để phản ánh kịp thời tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước và cả mối liên hệ chặt chẽ giữa hai yếu tố này và tác động của chúng đối với con người và xã hội.

Theo Liên hợp quốc, chính sách khí hậu của các quốc gia và khu vực phải có cách tiếp cận tổng hợp đối với vấn đề biến đổi khí hậu và quản lý nước. Áp lực về nguồn cung nước đòi hỏi các quyết định mạnh tay hơn về phân bổ tài nguyên nước trong các hoạt động sử dụng. Để đảm bảo một tương lai bền vững, tiếp tục hiện trạng không phải là một lựa chọn và quản lý nước cần được xem xét kỹ lưỡng qua lăng kính chống biến đổi khí hậu.

Các nước cần tăng cường đầu tư trong việc cải thiện dữ liệu, thể chế và quản trị, giáo dục và phát triển năng lực, đánh giá rủi ro và kiến thức. Các chính sách cần đảm bảo sự đại diện, sự tham gia, thay đổi hành vi và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và các tổ chức.

Các giải pháp bao gồm bảo vệ các bể chứa carbon như đại dương và vùng đất ngập nước, áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp thông minh thân thiện với khí hậu và tăng cường tái sử dụng nước theo các cách hợp lý và an toàn; đầu tư vào công nghệ năng lượng, tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy thay đổi hành vi lãng phí thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức.

Ngày Nước thế giới năm nay diễn ra vào một thời điểm đặc biệt, sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến nhiều sự kiện đánh dấu bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. Tuy nhiên, với khẩu hiệu “Mọi người đều có vai trò của mình,” chiến dịch năm nay muốn nhấn mạnh đến thông điệp rằng ngay trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều hành động để chúng ta góp phần tạo ra sự thay đổi.

Nguồn : Internet