Điều chỉnh quy hoạch và thiết kế lạc hậu để chống ngập

Ngày đăng: 20/09/2017 365 lượt xem

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, lãnh đạo TPHCM tiếp tục chủ trương đầu tư lớn để thực hiện một trong 7 chương trình đột phá là giảm ngập nước trên địa bàn. Vấn đề đặt ra là nếu tiếp tục cách làm cũ, TPHCM tốn tiền nhưng có hết ngập hay không? Bởi thực tế hiện nay, “ngập vẫn hoàn ngập” ở ngay các công trình… chống ngập do quy hoạch, thiết kế hệ thống thoát nước ở nhiều khu vực đã không còn phù hợp…

Bất cập từ khâu quy hoạch, thiết kế

Theo thống kê, toàn TPHCM hiện có hơn 68.490 miệng cống thu nước mưa mặt đường. Một trong những kết quả khảo sát các điểm ngập của đơn vị chuyên môn cho thấy, với hơn 1.000 miệng cống tại những nơi ngập nặng, đa phần miệng cống đều sai thiết kế căn cứ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07-2: 2016/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành ngày 1-2-2016. Theo đó, ngập do tổ hợp mưa lớn, triều cao vượt mức thiết kế chỉ chiếm xấp xỉ 14% đến hơn 28%; còn ngập khi mưa nhỏ chiếm từ 50% đến gần 68% với tiêu chuẩn cống thoát nước đáp ứng vũ lượng tuần tự 95mm, 85mm, 75mm trong 3 giờ. Mặt bằng các điểm ngập nặng sau khi cải tạo nhiều lần đều có hiện tượng tái đi tái lại; trong đó nhiều điểm nằm trong khu vực đã được kiểm soát triều như lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè; lưu vực rạch Lăng, rạch cầu Sơn… Có 3 lý do kỹ thuật khiến nước ngập tràn đường trong khi mưa nhỏ và triều thấp kéo dài hàng chục năm qua, đó là miệng cống nghẹt, nước mưa không xuống cống được; xuống cống được nhưng nước mưa không thoát được ra sông, kênh do lòng cống bị nghẽn; nước sông không dâng cao nhưng miệng xả nước ra sông bị lấp, kẹt.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, miệng cống thu nước tại TPHCM hiện nay đã không còn phù hợp với hệ số chảy tràn, do thực tế địa hình đã bị bê tông hóa. Việc phát triển đô thị với đặc thù dân cư đông đúc tại vùng địa lý nhiệt đới có lượng mưa lớn kèm theo thói quen xả rác bừa bãi… là những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập, nghẽn nhiều năm qua. Nhiều vấn đề về môi sinh môi trường cũng phát sinh từ đây.

Theo các chuyên gia, chỉ cần trả lại đúng thiết kế miệng cống theo Quy chuẩn Việt Nam, thì cho dù miệng cống không ngăn được rác nhưng sẽ giúp giảm ngập và giúp chúng ta biết được nước ngập tràn đường do đâu, ở chỗ nào. Việc này cũng sẽ giúp tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng thông lòng cống mỗi năm.

Trong lúc miệng cống không đảm bảo chức năng thu nước và cản rác thì hệ thống đường ống cống cũng bộc lộ hàng loạt vấn đề bất cập. Toàn TP hiện có 3.123km đường cống nhưng đa phần đã xuống cấp, hư hỏng, chênh lệch, không đồng bộ… nên không đảm bảo chức năng thoát nước.

Theo Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19-6-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 (Quy hoạch 752), TP được yêu cầu phải nghiên cứu đánh giá thực trạng hệ thống thoát nước mưa và nước thải. Tuy nhiên, đến nay việc này chưa hoàn thiện. Trong khi hàng năm, Sở GTVT báo cáo thông hàng trăm kilômét ống cống nhưng chưa thấy có báo cáo nào cho biết toàn diện, cụ thể bao nhiêu đoạn ống cống bị lún sụp, gãy, biến dạng, cốt không đồng bộ, chênh lệch cống khi đấu nối…

Theo thực nghiệm của đơn vị chuyên môn, do miệng cống thu nước trên địa bàn hiện nay không cản được rác đi thẳng vào lòng cống nên cứ mỗi kilôgram rác (chất thải rắn) đi vào được lòng cống sẽ nhanh chóng tạo thành từ 3 – 20kg bùn nằm trong thành cống, nhanh chóng gây nghẹt lòng cống.

Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến công tác chống ngập của TP trong thời gian qua không phát huy hiệu quả là do chưa nhận diện được đặc tính kỹ thuật chung của hàng chục điểm đã và đang “ngập bền vững” hơn 15 năm qua để giải quyết khẩn cấp và dứt điểm. Cụ thể, sau khi tìm hiểu, khảo sát kỹ khoảng 70 điểm ngập kéo dài trong nhiều năm, các nhà chuyên môn đã phát hiện ra một bất cập “khó hiểu”: toàn bộ số điểm ngập này đều nằm cách các sông, kênh, mương (tuyến thoát nước cấp 1) chỉ khoảng 1km, trong đó có rất nhiều đoạn cách chưa đến 500m. Trong lúc đó, bản thân hệ thống các công trình trạm bơm, cống kiểm soát triều và công trình phụ trợ hiện nay cũng có vấn đề về mặt kỹ thuật và chức năng hoạt động khiến tình trạng ngập ít được cải thiện. Theo báo cáo của Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM, toàn TP hiện có 27 trạm bơm với 56 máy có công suất từ 168m³/giờ đến 64.000m³/giờ phục vụ bơm khi có mưa, triều (tổng công suất 475.680m³/giờ), hỗ trợ bơm chống ngập khi có mưa kết hợp triều cường. Có 5 cống kiểm soát triều lớn điều tiết nước trong các tuyến sông, kênh, rạch nhằm tăng khả năng trữ nước khi xuất hiện mưa, kết hợp với vận hành các bơm đã được đầu tư tại các cụm cống kiểm soát triều. Có 1.077 van ngăn triều và nhiều tuyến đê tạm (tường gạch), phay chặn tại các vị trí ngập triều… Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, hệ thống van ngăn triều hiện nay hoạt động chập chờn; mẫu thiết kế “cống thoát nước có nắp chặn” áp dụng cho kênh mương vùng nông thôn có nguồn gốc thiết kế phục vụ ngành nông nghiệp – nông thôn đưa vào đô thị nên không phù hợp…

Mạnh dạn thay đổi

Ngập gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế – xã hội, làm giảm tăng trưởng, giảm khả năng thu hút đầu tư; gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân và nhiều mặt của xã hội.

TPHCM đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cho công tác chống ngập, giảm ngập. Theo nhận định của các chuyên gia, những cố gắng trong việc cải tạo hệ thống thoát nước của TPHCM trong 16 năm qua, kể từ khi Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã mang lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, từ các kết quả nghiên cứu, khảo sát của đơn vị chuyên môn cho thấy trên 2/3 số lần ngập không đến từ lý do mưa lớn, triều cao (biến đổi khí hậu, nước biển dâng), đồng nghĩa với việc hệ thống thoát nước của TP vẫn chưa được cải tạo hiệu quả tại những điểm đã cải tạo và đã được kiểm soát triều. Đồng thời cho thấy, biện pháp cải tạo hệ thống thoát nước bằng giải pháp công trình đã và đang thực hiện vẫn chưa có hiệu quả cao.

Trong lĩnh vực kỹ thuật thoát nước đô thị, nếu cơ quan chuyên trách không tuân thủ đầy đủ các giải pháp kỹ thuật thoát nước truyền thống đã có hiệu quả và không nhận diện, đánh giá được các giải pháp kỹ thuật không còn hiệu quả trong bối cảnh địa hình, đời sống xã hội của TP hiện nay thì chắc chắn, dù có đầu tư hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng chống ngập sẽ vẫn hoàn ngập, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm!

Vấn đề đặt ra là TP cần mạnh dạn nhìn thẳng thực trạng, đánh giá đúng thực trạng. Từ đó khẩn trương tiến hành điều chỉnh, sửa đổi lại quy hoạch và thiết kế kỹ thuật của hệ thống thoát nước cũng như những dự án, công trình chống ngập đã lạc hậu, không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

TPHCM là đầu tàu cả nước, nơi hội tụ sức mạnh cả nước, bao gồm cả sức người sức của; có truyền thống năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, không thiếu những người sẵn sàng chung tay góp sức cùng TP cải tạo, khắc phục tình hình. Vì vậy, TP nên mạnh dạn thí điểm và nhân rộng mô hình xã hội hóa, kêu gọi các nhà khoa học, nhà đầu tư, người dân chung tay cùng TP hiến kế giải pháp về kỹ thuật, về vốn và tổ chức thực hiện. Khi đó, chúng ta không những sẽ tiết kiệm được khoản ngân sách khổng lồ mà thông qua công tác xã hội hóa, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, huy động được sức dân, chắc chắn sẽ giải quyết căn cơ được vấn đề ngập. Đồng thời, khắc phục được những hệ lụy phát sinh, thúc đẩy được kinh tế – xã hội TP phát triển; giúp uy tín của lãnh đạo TP được nâng cao.
Theo các chuyên gia, hệ thống công trình thoát nước đô thị phải đảm bảo các tiêu chuẩn về công năng, hiệu quả kinh tế, yếu tố kỹ thuật, phù hợp với đặc tính cộng đồng, đảm bảo về môi trường sinh thái… Vì vậy, nếu thành phố lắp đặt lại hệ thống miệng cống, giếng thu nước mưa mới (hố ga mặt đường) kết hợp với lắp đặt mới 1.077 van ngăn triều, được thiết kế đúng theo những yêu cầu công năng – kỹ thuật, cùng với việc gia cố bền vững thêm nhiều tuyến đê tường gạch tại những điểm đã xây dựng và phay chặn tại các vị trí ngập triều và lắp máy bơm nước ra sông thì tình trạng ngập trước mắt sẽ được cải thiện.