Cuộc điện thoại đề nghị Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS Môi trường) tham gia xử lý sự cố. Sau hơn một tuần cố giải quyết bằng nhiều cách: vớt dầu, tăng lượng clo, súc rửa đường ống, công ty nước mới tìm một đơn vị chuyên nghiệp để giải quyết.
“Sự lúng túng” là kịch bản chung mà anh Phạm Văn Sơn, Giám đốc SOS Môi trường nhìn thấy mỗi lần tham gia khắc phục sự cố ô nhiễm. “Lúng túng từ cơ quan quản lý cho đến doanh nghiệp. Họ không biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào”, anh nói với tôi.
Đó là hệ quả của một quá trình ứng phó mang tính hình thức: từ xây dựng quy trình, mua trang thiết bị cho tới diễn tập. Đến nhiều cơ sở, anh thấy lịch bảo dưỡng định kỳ thưa thớt, thiết bị cũ kỹ, thậm chí là mua sai. Anh cũng nhìn thấy những lãnh đạo doanh nghiệp khi diễn tập lên phát biểu dăm câu ba điều cho xong. Rồi khi xảy ra sự cố thật, những vị ấy trở thành chỉ huy hiện trường, quen xử lý theo kiểu hình thức. Đầu tiên là họp hành, phát biểu, ý kiến. Sau đó có thể là hàng loạt quyết định sai làm cho sự cố ngày càng tồi thêm.
Sau khi khảo sát và test nhanh vài phương án, tổ xử lý của SOS Môi trường cùng trang thiết bị có mặt tại hiện trường vụ đổ thải tại đầu nguồn nước sông Đà. Nhưng cũng phải chờ lãnh đạo công ty họp xong và đồng ý phương án, chiều 17/10, những tấm màng ngăn dầu dài 15 – 30 mét rộng mới được căng ngang dòng kênh dẫn nước ngược lên các con suối đầu nguồn.
Tổ xử lý sự cố làm việc suốt đêm, cơ bản giải quyết xong những nguy cơ với nước đầu nguồn. Nhưng số dầu khuếch tán trước đó có thể bám dính vào bùn cát, phù sa. Ngày 25/10, tức 17 ngày sau sự cố, chúng tôi quay trở lại hiện trường vụ dổ dầu thải. Đất từ khe núi xuống lòng suối Trầm đã được vét sâu xuống vài mét nhưng vẫn nồng nặc mùi khét giống như lốp cao su bị cháy. Các chuyên viên xử lý ô nhiễm ngửi lâu vẫn bị nhức đầu, dù đã mặc quần áo bảo hộ.
Cùng ngày, Công ty nước sạch sông Đà đưa ra “lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ” gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp. Đi kèm là tuyên bố miễn phí tiền nước trong một tháng. Công ty cũng thừa nhận “chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp do con người cố tình gây ra” nên lúng túng trong xử lý sự cố ban đầu.
Những nỗ lực khắc phục đều không giấu được tính chất muộn mằn. Với các chuyên gia của SOS Môi trường, cho dù đã rất nỗ lực, vẫn không tẩy được dầu đã ngấm vào bùn. Từ phía chính quyền, những xe tải nước chống đỡ không làm cho cuộc sống của người dân mất nước đỡ ức chế. Từ phía nhà máy nước, một lời xin lỗi và việc không thu tiền nước không làm cho khách hàng của họ bớt lo lắng và ức chế.
Thực ra, khi phát hiện ra một sự cố môi trường, thì mọi nỗ lực gọi là “xử lý” đều đã muộn. “Nước sông Đà nhiễm dầu thải” khiến chúng ta hoảng loạn này hôm nay là thứ còn nhìn thấy, ngửi thấy được. Có những thứ không nhìn thấy được vẫn đang len lỏi vào nguồn nước hàng ngày.
Không chỉ có một Công ty gốm sứ Thanh Hà ở tận Phú Thọ thải ra dầu mỡ trong quá trình kinh doanh. Hà Nội còn khoảng hơn 2.000 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, rửa xe, kinh doanh xăng dầu.
Hàng ngày, dầu mỡ từ những hoạt động này xả ra hệ thống thoát nước. Đây là thủ phạm khiến hàm lượng tổng dầu mỡ trong nước luôn dao động từ 0,5 đến 2,5 mg/ lít, cao hơn quy định cho phép từ 2 đến 3 lần. Số dầu mỡ này đều không được xử lý, xả trực tiếp ra sông, hồ, chảy về các trạm bơm và bơm ra sông Hồng, sông Đáy về hạ lưu, khiến các nhà máy xử lý nước sạch ở các tỉnh thuộc hạ lưu sông Hồng có thể bị ô nhiễm nguồn nước.
Dầu mỡ vô cơ thải ra môi trường có chứa Styren. Cơ thể người nhiễm chất này với hàm lượng cao, trong thời gian dài sẽ gây giảm thị lực, tổn thương hệ thần kinh, tăng nguy cơ ung thư thực quản, tuyến tụy. Dầu mỡ khoáng còn chứa Toluen, một chất lỏng không màu làm dung môi hoà tan các loại vật liệu như sơn, chất hoá học, cao su, tiếp xúc trong thời gian dài có thể bị ung thư. Trong dầu còn có Benzen mùi thơm nhẹ, nhưng mùi thơm này lại có thể là tác nhân gây bệnh bạch cầu; hít nhiều có thể gây vô sinh; để rơi vào da gây bỏng rát. Những người tiếp xúc thường xuyên với dầu mỡ công nghiệp có thể mắc các bệnh đường hô hấp, nguy cơ ung thư cao.
Việt Nam chưa có quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải có hệ thống tách dầu mỡ trước khi thải ra môi trường. Hà Nội đã giao cho Công ty thoát nước áp dụng công nghệ tách dầu mỡ tại các cơ sở kinh doanh. Nhưng không có chế tài, không có quy định bắt buộc, đành trông chờ vào sự “tự giác” của chủ kinh doanh. Đến giờ, sự tự nguyện ấy mới dừng lại ở con số 100 cơ sở.
Nếu không có sự phòng ngừa, thì tất cả những việc được làm theo quy trình, từ ứng cứu, đền bù, xin lỗi, thậm chí miễn phí nước đều là vô nghĩa.
Điện thoại từ Công ty nước sạch sông Đà là cuộc gọi số 96 trong tổng số 97 sự cố môi trường mà trung tâm tiếp nhận từ năm 2006 đến nay. 80% liên quan đến tràn dầu, ô nhiễm xăng dầu trong đất, nước. Anh Sơn gọi những lần nhận điện thoại như thế là “cực chẳng đã”. Nghĩa là mọi sự đã rồi.
Nếu vẫn không có chế tài để kiểm soát dầu thải nói riêng và chất thải nói chung từ nơi sinh ra nó, thì việc ô nhiễm nguồn nước luôn là sự đã rồi, bất kể bạn có ngửi thấy chúng hay không.
Chúng tôi sẽ còn tiếp tục đưa những thông tin mới nhất !
vnexpress
————————————————————————————————————————————————
CÔNG TY CỔ PHẦN WESTERNTECH VIỆT NAM
☎️ +84 2466 638 759
📧 info@westerntechvn.com