Trữ nước ngọt trong mùa hạn mặn có thực sự hiệu quả

Ngày đăng: 20/02/2020 316 lượt xem

Sáng sớm giữa tháng 2, ông Nguyễn Văn Chính (41 tuổi, ở Phú Sơn, Chợ Lách, Bến Tre) kéo dây dẫn được đấu nối với chiếc túi nhựa dài 10 m, rộng 2,5 m chứa đầy nước đặt ở góc vườn, mở vòi tưới vườn mai, sầu riêng giống gần 1.000 gốc. “Tôi mua chiếc túi này hai tháng trước, giá 2,4 triệu đồng, chứa được 15 khối nước, đủ dùng hơn nửa tháng cho vườn nhà”, ông Chính nói.


Túi chứa 15-30 m3 nước được nông dân Bến Tre sử dụng trong mùa hạn mặn. Ảnh: Hoàng Nam.

Theo ông Chính, đợt hạn mặn năm nay đến sớm bất thường, nhiều nông dân không kịp bơm nước vào ao dự trữ. Nhiều người phải đào ao trong vườn, sau đó trải bạt phía dưới, mua nước ngọt do các sà lan hút từ các con sông chưa bị nhiễm mặn với giá 80.000-100.000 đồng mỗi khối đổ vào dự trữ. Tuy nhiên, do đang nắng nóng, nước dễ bốc hơi, không giữ được lâu.

Nhiều người dân như ông Chính vì thế đã chọn mua túi nhựa theo nhiều kích thước khác nhau, dung tích từ 10 đến 30 m3, độ bền 8-10 năm, giá 1,7-2,6 triệu đồng. Túi nhựa có hai van, một dùng để cấp nước vào, một để xả nước ra, sau khi sử dụng có thể xếp gọn để dành sử dụng cho những mùa sau.

Bến Tre hiện là một trong số địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng từ hạn mặn. Tại thủ phủ hoa Chợ Lách, người dân phải mua nước ngọt giá mỗi khối cao gấp 10 lần ngày thường để sinh hoạt, tưới hoa kiểng, cây giống. Hơn 4.500 ha lúa đông xuân tại Ba Tri bị chết héo, nhiều nông dân phải cắt cho bò, dê ăn.

Những ngày qua, trên cánh đồng khô khốc ở xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng xuất hiện máng nước dã chiến rất lạ mắt, nằm giữa ruộng dưa leo vừa xuống giống.

Xách hai thùng nước trong máng tưới những liếp dưa trên diện tích 3.000 m2, nông dân Lâm Văn On (63 tuổi) cho biết, xâm nhập mặn lên cao, cống đập đóng lại hết, kênh nội đồng cạn kiệt, không làm lúa vụ ba được nên ông chuyển sang trồng màu. Máng nước này được đào trong ba ngày, sâu 0,5 m, bề mặt gần một mét, dài 60 m, trải nylon. Nước ngọt từ giếng khoan của gia đình cách ruộng khoảng 40 m được ông bơm lên dẫn vào ống nhựa đưa vào đây dự trữ.

Ông Lâm Văn On (xã Châu Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng) xách nước từ máng nước được đào giữa ruộng tưới dưa. Ảnh: Cửu Long.

Tổng chi phí ông On bỏ ra khoảng hai triệu đồng, nếu bơm đầy máng có thể đạt tới 20 khối, đủ tưới trong hai ngày. Dưa sẽ cho thu hoạch sau 45-50 ngày xuống giống, năng suất khoảng 5 tấn mỗi công.

“Giá bán tại ruộng 5.000 đồng mỗi kg, ruộng dưa này tôi cầm chắc lời 30 triệu đồng”, ông nói và cho biết nếu không nghĩ ra cách làm này thì bỏ không đồng ruộng hơn bốn tháng, cuộc sống gia đình sẽ khó khăn vì không có nguồn thu nhập khác bù vào.

Cách đó khoảng 40 km, tại cù lao Phong Nẫm, nằm giữa sông Hậu, thuộc huyện Kế Sách, giữa cái nắng như thiêu đốt trên 34 độ C, ông Nguyễn Văn Phát đang bơm nước tưới vườn nhãn và chôm chôm bảy công, đang cho trái.

Từ vài tháng trước, nghe dự báo hạn mặn gay gắt, ông Phát cùng nhiều nông dân ở cù lao nạo vét mương, gia cố cống đập. Sau đó ông đã chủ động lấy nước vào dự trữ. Trong vườn, ông Phát nuôi cỏ nhằm giữ ẩm cho đất và cây để giảm số lần tưới. Lão nông canh những lúc nước kém, độ mặn giảm thì mở cửa đập cho nước sông vào mương, pha loãng với nước ngọt, bù vào lượng nước đã tiêu hao.

“Nhờ vậy mà vườn nhãn của tôi năm nay không bị ảnh hưởng hạn mặn, đang cho thu hoạch khoảng hai tấn, bán giá 22.000 đồng mỗi kg; còn chôm chôm đến tháng tư sẽ chín”, ông Phát phấn khởi, nói.

Nông dân TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang tưới các luống khóm từ nguồn nước dự trữ. Ảnh: Anh Lam.

Cách làm hiệu quả ông ông Phát được nhiều nông dân Hậu Giang áp dụng. Tại xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, ngoài việc tích trữ nước ngọt, ông Đặng Văn Út vừa được ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho bốn công đất trồng bưởi da xanh đã phát huy hiệu quả. Các ống nhựa gắn đầu phun tia nước được đấu nối trên mảnh vườn, kết nối với máy bơm nước tích hợp phần mềm điều khiển bằng điện thoại thông minh.

“Giờ tôi chỉ bật lệnh qua điện thoại, trong vòng 15 phút vườn cây được tưới xong, tốn chưa tới một kWh điện, trong khi tưới bằng máy nổ phải tốn ba lít xăng và mất hơn hai tiếng”, ông Út nói.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo và nhanh nhạy của nông dân trên địa bàn trong việc ứng phó thiên tai. Nhờ vậy đến nay, hạn mặn diễn ra gay gắt nhưng chưa ghi nhận thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại 30.000 ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, bằng 7,3% so tổng diện tích thiệt hại năm 2015-2016. Đợt hạn mặn lịch bốn năm trước khiến 600.000 người miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.

Vn Express