Đổi mới tư duy thiết kế hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị

Ngày đăng: 14/09/2023 775 lượt xem
Thoát nước đô thị không chỉ là làm giảm mức nước triều trên kênh rạch, mà còn liên quan tới hệ thống cống, lượng mưa, việc xả lũ thượng nguồn, sự phát triển của đô thị, độ phủ xanh hay bê tông hóa đô thị, cốt nền tự nhiên và sự sụt lún đô thị. Do vậy, thoát nước đô thị cần một giải pháp tổng thể, có tầm nhìn xa trông rộng.
Trong các giáo trình thoát nước trước đây cũng như quy phạm hiện nay đều nêu rõ: Các đô thị mới nên xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng và nước thải riêng. Còn đối với các đô thị cũ đã có hệ thống thoát nước chung, thì tiến hành xây dựng các tuyến cống bao tách nước thải ra đưa về trạm xử lý tập trung, đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường rồi mới được xả ra sông hồ.
Giải pháp xử lý tập trung đòi hỏi phải xây dựng cống có khẩu độ lớn, chiều dài đường cống lớn, độ sâu đặt cống cũng lớn, thời gian thi công kéo dài và kinh phí đầu tư rất lớn. Nếu xây dựng nhiều trạm xử lý phân tán sẽ có lợi hơn rất nhiều, do giảm được khối lượng cũng như kinh phí đầu tư, thời gian thực hiện nhanh, mà vẫn đảm bảo nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Kinh phí đầu tư không lớn, nên có thể thực hiện xã hội hóa.
Năm 2017, Công ty TNHH VMECO đã thực hiện dự án xử lý nước thải cho khu chung cư cao cấp 4S Linh Đông (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM), phục vụ cho 1.200 căn hộ, công suất 1.000m3/ngày đêm, kinh phí đầu tư 12 tỷ đồng (bao gồm thiết kế, mua đất, đền bù, xây dựng và thiết bị) bằng hình thức xã hội hóa.

Vị trí các điểm ngập ở TPHCM cho thấy cần xây dựng hệ thống thoát nước theo vùng

Nhà đầu tư dự án bất động sản tự bỏ tiền ra xây dựng, thu lại từ giá bán căn hộ và phí nước thải thu từ các hộ dân, điều này hoàn toàn phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Đang có nhiều mô hình như vậy khắp nội thành, ngoại thành TPHCM.
Như vậy, không thể nói là không thể xử lý nước thải phân tán, cả về mặt tổ chức thực hiện, về mặt tài chính dự án và về mặt kỹ thuật dự án. Hiện nay trên thế giới xuất hiện rất nhiều kiểu trạm xử lý nước thải phân tán nhỏ, gọn nhẹ, xây dựng nhanh, với các thiết bị xử lý hiện đại, công nghệ xử lý hoàn hảo, đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, TPHCM cũng nên nghiên cứu để sử dụng trong những điều kiện thích hợp.
Trong các đồ án quy hoạch thoát nước cho các khu đô thị mới và chung cư cao tầng hiện nay ở nước ta, đều ghi một câu chung nhất: Giai đoạn trước mắt xây dựng trạm xử lý nước thải sơ bộ thoát ra kênh rạch, trong tương lai sẽ đưa về trạm xử lý nước thải tập trung của thành phố để xử lý triệt để đạt tiêu chuẩn vệ sinh trước khi xả ra môi trường.
Như vậy thì quá tốn kém, kinh phí quá lớn, nên không biết đến bao giờ nhà máy xử lý nước thải tập trung của TPHCM mới xây dựng được. Khi xây dựng xong thì các trạm xử lý cục bộ trong giai đoạn 1 sẽ bị phá bỏ, thật lãng phí.
Tại sao ta không xây dựng trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường ngay từ giai đoạn đầu và sử dụng lâu dài? Nếu vậy, kênh rạch sẽ không bị ô nhiễm và có thể xã hội hóa việc xây dựng dễ dàng: chủ đầu tư bỏ tiền ra xây dựng theo hình thức PPP hoặc BOT, sau đó thu hồi vốn theo quy định để lấy tiền trả cho chi phí quản lý, khai thác công trình.
Việc thu phí quản lý có thể do ban quản lý chung cư hoặc chính quyền phường – xã thu, để trả cho chí phí quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
Xử lý nước thải phân tán sẽ không phải dẫn nước đi xa, công suất trạm xử lý không lớn, nên đường kính cống không lớn và ta có thể sử dụng vật liệu cống nhẹ, bền vững hơn so với cống bê tông cốt thép hiện nay. Do công suất trạm xử lý nhỏ nên chi phí đầu tư thấp, vốn không phải là vấn đề nan giải, đất để xây dựng công trình cũng dễ giải quyết.

Phải nắm đúng bệnh thì mới chữa bệnh tốt 

Người thiết kế cần phải rất thực tế, phải tìm hiểu kỹ và nắm vững hiện trạng thoát nước, nguyên nhân gây ngập. Nguyên nhân ngập thì có rất nhiều, có thể là ngập do triều, do mưa, do xả rác vào cống hoặc ra kênh rạch, do lắp đặt hố ga thu nước mưa hay van ngăn triều không đảm bảo chất lượng kỹ thuật.
Từ số liệu thực tế ngập ở TPHCM của các năm qua cho thấy: chỉ có 13,87% – 28,41% trường hợp ngập do tổ hợp triều cao, mưa lớn vượt mức thiết kế tại TPHCM; có 50% – 67,88% ngập khi mưa nhỏ (ứng với vũ lượng 95mm, 85mm, 75mm trong 3 giờ).
Như vậy, ngập do cống tắc là chủ yếu; vì vậy trước mắt TPHCM phải tập trung giải quyết khâu này là chính, chứ không phải tập trung chống ngập do triều, đáng lý có thể làm sau hơn một chút cũng được. Điều chúng ta quan tâm ở đây là lựa chọn các thông số tính toán phù hợp thay đổi của thời tiết, biến đổi khí hậu, cũng như xu hướng bê tông hóa đô thị trong những năm gần đây ngày một tăng cao.
Do diện tích TPHCM lớn nên phải dẫn nước mưa ra sông rạch rất xa, đòi hỏi tuyến cống thoát nước dài, khẩu độ cống lớn và phải chôn ống sâu. Hệ quả là kinh phí đầu tư gia tăng, và nước mưa ở những đoạn cống cuối cùng luôn trong tình trạng chảy ngập, làm giảm khả năng thoát nước.
Để khắc phục tình trạng này, TPHCM cần xây dựng hệ thống thoát nước theo vùng; tăng diện tích cây xanh cho các khu đô thị để tăng lượng nước mưa thấm qua đất; xây dựng các bể chứa nước mưa tại khu công cộng chìm dưới lòng đất, như đã xây dựng thí điểm theo công nghệ Nhật Bản ở quận Thủ Đức vào năm 2017.
Nguồn: baomoi.com