Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, quyền khai thác tài nguyên nước được định giá bằng tiền và coi như là quyền tài sản. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khác với thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đó là khoản thu của chủ sở hữu khi cho các chủ thể khác sử dụng tài sản của mình tương tự như khoáng sản, đất đai. Hơn nữa, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm công bằng trong việc sử dụng tài sản của Nhà nước.
Sau 3 năm thực hiện, đến nay, 100% các công trình đã có giấy phép trước ngày Nghị định có hiệu lực và chủ giấy phép thực hiện kê khai đã được Cục Quản lý tài nguyên nước thẩm định và phê duyệt tiền cấp quyền theo quy định.
Tại Điều 65 Luật Tài nguyên nước quy định tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây: Khai thác nước để phát điện có mục đích thương mại; Khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; Khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn.
Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được xác định căn cứ vào chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước.
Cũng tại Điều này, Luật Tài nguyên nước đã giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Cụ thể hóa quy định này, tại Điều 40 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ đã quy định về các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Để triển khai hiệu quả các quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, vừa bảo đảm khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được nguồn nước khai thác, vừa bảo đảm được an sinh xã hội và bổ sung cho một số hoạt động bảo vệ nguồn nước, ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
100% công trình đã kê khai thực hiện việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Ngay sau khi Nghị định 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức cá nhân thực hiện việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đến nay, 100% các công trình đã có giấy phép trước ngày Nghị định có hiệu lực và chủ giấy phép thực hiện kê khai đã được Cục thẩm định và phê duyệt tiền cấp quyền theo quy định. Đối với các giấy phép khai thác mới việc tiếp nhận thẩm định hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã được thực hiện đồng thời với việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị điều chỉnh, cấp lại giấy phép về tài nguyên nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 82/2017/NĐ-CP.
Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ hướng đến việc sử dụng nước công bằng và hiệu quả.
Theo số liệu báo cáo của các tỉnh và số liệu thống kê của Bộ TN&MT, tính đến ngày 9/4/2020, Bộ đã phê duyệt được 593 Quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền 9.494,4 tỷ đồng. Các tỉnh đã phê duyệt được trên 3.300 Quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 637 tỷ đồng.
Trong số 593 công trình khai thác tài nguyên nước thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ TN&MT có 112 công trình khai thác nước dưới đất (trong đó 56 công trình khai thác nước cấp cho các nhà máy nước, 56 công trình khai thác nước dưới đất khác (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…); và 481 công trình khai thác nước mặt (trong đó có 436 công trình thủy điện, 5 công trình hồ chứa thủy lợi, 19 công trình khai thác nước cấp cho các nhà máy nước, 21 công trình khai thác nước mặt khác (làm mát, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…).
Sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2017/NĐ-CP đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước
Bộ TN&MT cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, tăng thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện còn một số vướng mắc do thay đổi quy định của pháp luật. Từ khi Nghị định 82 có hiệu lực đến nay đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, do đó, một số quy định của Nghị định hiện không còn phù hợp như: các quy định về quy hoạch tài nguyên nước tại Điều 2 và Phụ lục II của Nghị định không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; các quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế (trong đó có tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước), về thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của cơ quan thuế, về mẫu thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hiện đã được giao Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; quy định về hệ số nguồn nước khai thác có liên quan đến vùng hạn chế khai thác nước dưới đất hiện không còn phù hợp với quy định tại Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất…
Cùng với đó là, vướng mắc từ thực tiễn triển khai thi hành Nghị định. Hiện tại nhiều quy định của Nghị định hiện không còn phù hợp với thực tiễn hoặc có những vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương đề nghị tháo gỡ như: các quy định về đối tượng nộp tiền, nhiều địa phương, doanh nghiệp đề nghị làm rõ các đối tượng không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để thống nhất áp dụng trên phạm vi cả nước; căn cứ tính tiền trên cơ sở tầng chứa nước khai thác là chưa phù hợp vì nhiều công trình khai thác ở 2 tầng chứa nước khác nhau; giá tính tiền chưa làm rõ thời điểm áp dụng giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và lúng túng trong việc áp dụng giá tính tiền khi chiếu sang các quy định về tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên nên chưa có sự thống nhất trên cả nước; nhiều công trình cấp nước tập trung còn lúng túng trong xác định tỷ lệ cấp nước cho các mục đích; điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước còn có nhiều điểm chưa phù hợp; nhiều công trình bị hỏng không khai thác được nhưng khi điều chỉnh thì tiền cấp quyền lại tăng lên; chưa có quy định về thời điểm áp dụng giá tính tiền đối với trường hợp truy thu tiền…
Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến việc kê khai, tính, phê duyệt và thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã xảy ra trên thực tế nhưng chưa hướng dẫn cụ thể như việc phân chia tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giữa các địa phương nơi có công trình khai thác nước và hồ chứa; quy định về gia nhiệt cho sản phẩm vẫn được xác định mức thu cao như đối với trường hợp sản xuất, trong khi đó, gia nhiệt là loại hình khai thác, sử dụng nước không tiêu hao, giống làm mát máy, tạo hơi tức là sử dụng nước sau quá trình sản xuất để làm tăng nhiệt độ của sản phẩm và do đó sẽ giảm nhiệt độ của nước trước khi xả trả lại nguồn nước. Vì vậy, địa phương đã đề nghị bổ sung gia nhiệt để bảo đảm tính công bằng giữa các loại hình sử dụng nước. Ngoài ra, mẫu quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa có mã số thuế nên khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định doanh nghiệp nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Nguồn : Internet