Xử lý độc chất trong nước nuôi tôm- Bước tiến từ công nghệ mới

Ngày đăng: 20/09/2023 489 lượt xem
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI – thuộc Sở KHCN TP. HCM) vừa tổ chức buổi hội thảo giới thiệu giải pháp ứng dụng công nghệ Biofloc xử lý khí độc trong ao tôm mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao.

Nuôi tôm là nghề phổ biến ở nước ta, mang lại nguồn thu nhập cao cho người nuôi trong nhiều năm qua nhờ có thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm vẫn còn đó nhiều nỗi lo, như chất lượng nước không được đảm bảo, có nhiều chất độc hại khiến tôm bệnh chết. Trong thực tế, nhiều hộ nuôi tôm chưa có điều kiện trang bị thiết bị quan trắc chính xác các tiêu chuẩn chất lượng nước ở cả môi trường nước lợ lẫn nước mặn (trị giá hàng trăm triệu mỗi thiết bị), do đó khó ứng phó kịp thời tình huống nước bẩn do nitrit tích tụ nhiều trong nước gây độc (không xử lý kịp lượng amonia NH3 và nitrit NO2- tăng nhanh khi tôm lớn, lượng thức ăn nhiều), dễ gặp thiệt hại khó lường.

TS. Trần Thị Ngọc Lan khẳng định các phương pháp xử lý amoniac và nitrit bằng Yucca và Zeolite ngoài thị trường là không có tác dụng mấy. Cụ thể, Yucca thực chất chỉ là rỉ đường, chứa saponin có tác dụng ức chế quá trình chuyển hóa chất thành amoniac trong ruột, nên việc dùng Yucca xử lý amoniac đã hình thành là không khả quan. Còn Zeolite tuy có khả năng hấp thụ một số chất nhưng kém hơn nhiều so với than hoạt tính, mặt khác, trong môi trường nước lợ có quá nhiều ion của muối, dễ chiếm chỗ trên Zeolite, nên khả năng khử độc của Zeolite cũng bị hạn chế. Việc xử lý amoniac và nitrit bằng vi sinh tuy thịnh hành nhưng tốc độ chuyển hóa chậm, vi sinh nitrat hóa rất khó sống và dễ chết trong quá trình bảo quản, chất lượng sản phẩm vi sinh cũng không đồng đều do lượng vi sinh không đủ.
 Qua nghiên cứu và thử nghiệm quy mô nhỏ, TS. Trần Thị Ngọc Lan đề xuất giải pháp sử dụng công nghệ biofloc để khử khí độc chất trong nước nuôi tôm là amonia và nitrit nhờ vi khuẩn dị dưỡng và tảo, cụ thể là sản phẩm BLS (Bình Lan Super). Trong giải pháp này, sẽ thúc đẩy vi sinh vật dị dưỡng trong nước phát triển bằng cách cho chúng ăn carbohydrat (cơ chất) và nitrogen, làm tăng số lượng quần thể vi khuẩn nitrat hóa để duy trì chất lượng nước cùng hệ sinh vật phù du là nguồn thức ăn bổ sung cho ao nuôi, qua đó giúp chuyển hóa amonia và nitrit thành đạm. Hạn chế của giải pháp này là người nuôi cần phải cung ứng lượng Oxy cao.
Dựa trên 3 cơ chế gồm biofloc tảo (cố định amonia vào tế bào tảo dưới dạng protein), biofloc vi khuẩn dị dưỡng (vi khuẩn dị dưỡng cố định amonia) và vi khuẩn chuyển hóa nitơ, giải pháp này có ưu điểm là tạo nguồn thức ăn tự nhiên, người nuôi không cần thay nước (nên không đưa mầm bệnh vào ao trong trường hợp dẫn nước từ kênh rạch không đảm bảo vệ sinh) mà vẫn khử được khí độc amonia và nitrit, rất hiệu quả, an toàn và ít tốn kém (tiêu hao 3-6kg carbohydrat cho từng 1.000m3 nước).

>>>Xem thêm: Thu hồi vàng từ nước thải