Tài nguyên nước của nước ta ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững

Ngày đăng: 20/09/2023 583 lượt xem
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm khoảng 80,6 tỷ m3, chiếm xấp xỉ 10% tổng lượng nước hiện có của cả nước. Trong đó, trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm). Ngoài ra, nước còn được sử dụng cho sản xuất năng lượng, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và hoạt động sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thủy sản và sinh hoạt.
Nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhiều nhất ở 2 vùng ĐBSCL và ĐBSH, chiếm tỷ lệ 70% lượng nước sử dụng. Những vùng, lưu vực sông (LVS) có tỷ lệ sử dụng nước cho thủy sản cao bao gồm: cao nhất là sông Cửu Long, sông Hồng – Thái Bình, nhóm sông vùng Đông Nam Bộ, sông Đồng Nai và sông Mã với các tổng lượng dùng tương ứng: 5,8 tỷ m3; 0,7 tỷ m3; 0,63 tỷ m3; 0,4 tỷ m3. Lưu vực sông có tỷ lệ dùng nước cho công nghiệp cao nhất là LVS Hồng – Thái Bình, chiếm gần 1/2 tổng lượng nước sử dụng cho ngành công nghiệp của cả nước; tiếp đến là lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chiếm 25%; LVS Cửu Long là 10%; cuối cùng là nhóm sông vùng Đông Nam Bộ là 7%.
Khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và thiếu bền vững gây suy giảm tài nguyên nước trong khi hiệu quả sử dụng nước còn thấp, tình trạng lãng phí trong sử dụng nước còn phổ biến trên phạm vi cả nước.
Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, ở hạ lưu hầu hết các LVS, tình trạng suy giảm nguồn nước dẫn tới thiếu nước, khan hiếm nước không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất đang diễn ra ngày một thường xuyên hơn. Mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước đã xuất hiện, như giữa nhu cầu cấp thoát nước cho nông nghiệp, thủy điện, tiêu thoát nước cho sản xuất và dân sinh, bảo vệ nguồn lợi của các ao nuôi thủy sản.
Thêm vào đó, tài nguyên nước trên các LVS ở nước ta đang bị suy giảm do nhu cầu dùng nước tăng cao trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thủy điện, làng nghề; công tác quản lý tài nguyên nước còn hạn chế; các HST rừng đầu nguồn các lưu vực cũng bị suy giảm trên diện rộng do nạn phá rừng, do canh tác nông nghiệp, khai khoáng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, BĐKH cũng tác động mạnh mẽ lên tài nguyên nước mặt ở Việt Nam. Theo dự báo, tác động của BĐKH sẽ làm dòng chảy trong mùa khô ở vùng ĐBSCL (chỉ tính riêng lượng nước phát sinh trong vùng) suy giảm khoảng 4,8% vào năm 2020 và khoảng 14,5% vào năm 2050.
Tài nguyên nước của nước ta ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững. Xét lượng nước vào mùa khô, nước ta thuộc vào vùng phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước, một số khu vực thuộc loại khan hiếm nước. Trong khi nhu cầu nước không ngừng tăng lên thì nhiều dòng sông lại bị suy thoái, ô nhiễm, nước sạch ngày một khan hiếm. Hạn hán, thiếu nước diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng. An ninh về nước cho phát triển bền vững và BVMT đang không được bảo đảm ở nhiều nơi, nhiều vùng trên cả nước.