Sông Cầu Bây, Hà Nội còn sống hay đã chết

Ngày đăng: 10/10/2018 521 lượt xem

Sông Cầu Bây được hình thành từ những năm 1960, bắt nguồn từ hồ Kim Quan, phường Việt Hưng chảy qua các phường Phúc Lợi, Sài Đồng, Thạch Bàn, quận Long Biên và thị trấn Trâu Quỳ, các xã Đa Tốn, Kiêu Kị, huyện Gia Lâm, đổ vào hệ thống sông Bắc Hưng Hải tại cống Xuân Thụy với chiều dài khoảng 13,9km.

Những năm trước đây, Cầu Bây là con sông chính phục vụ tưới tiêu cho 400 ha đất canh tác nông nghiệp của hai địa phương kể trên. Bên cạnh đó, sông  cũng làm nhiệm vụ thoát nước khi hai địa phương bị mưa lớn, gây úng ngập. Song với làn sóng thu hút phát triển công nghiệp của quận Long Biên, nhiều nhà máy, doanh nghiệp mọc lên, đi kèm với đó là tốc độ đô thị hóa nhanh khiến dòng sông dần bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khúc sông chảy qua địa phận quận Long Biên được xem là đoạn có nhiều doanh nghiệp trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông.

 

Sông Cầu Bây

Tại khu vực tổ 6, phường Sài Đồng (Long Biên) nước sông luôn trong tình trạng đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Nhiều hôm trời nắng nóng, mặt nước sủi bọt, phía trên là từng đàn ruồi muỗi bu bám. Nhiều loài sinh vật trước kia đã từng sinh sống trên khúc sông này nhưng nay do nước bị ô nhiễm đã không còn xuất hiện.

Người dân ở phía cuối nguồn (Gia Lâm) cũng chịu cảnh ô nhiễm do nước thải từ đầu nguồn (Long Biên) đổ về. Để ngăn chặn nước bẩn, kèm theo rác, xác động vật chết… chính quyền huyện Gia Lâm đã phải dùng biện pháp đóng cửa cống đoạn qua thị trấn Trâu Quỳ để ngăn nước bẩn nhưng cũng không làm cho tình hình ô nhiễm giảm đi.

Ông Lê Quang Thoại, Tổ phó Tổ dân phố An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) bức xúc, trước kia cả một vùng rau, cây ăn trái sử dụng nước sông Cầu Bây để tưới. Tuy nhiên, hiện nay, người dân không thể lấy nước sông để chăm sóc cây, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhiều hộ gia đình đã cố thử dụng nước sông Cầu Bây để tưới cho cây nhưng chỉ sau vài ngày cây héo dần rồi chết, ông Thoại kể.

Xuôi về xã Đa Tốn (Gia Lâm) nước sông Cầu Bây vẫn là một màu đen kịt như được cô đặc, bốc mùi tanh, thối. Những cơn gió to mang hơi thối trải khắp thôn, xóm. Chỉ cho chúng tôi trạm bơm tưới đang nằm khô, do lâu ngày không vận hành vì nước bẩn, ông Đặng Văn Hùng và Lê Văn Bạch, người dân thôn Lê Xá (Đa Tốn) cho biết, người dân không thể dùng nước sông để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Một số diện tích đất nông nghiệp không thể gieo trồng do nguồn nước ô nhiễm quá nặng…

Những ngày cuối năm ít mưa, nước sông càng bốc mùi khó chịu, mặt sông không còn nhìn thấy nước mà chỉ có ruồi muỗi ở trên.Nhiều gia đình sống gần sông luôn phải đối mặt với các căn bệnh như viêm mũi, viêm họng do hàng ngày phải hứng chịu mùi hôi thối từ sông Cầu Bây, ông Lê Văn Bạch than thở.

* Chung tay xử lý ô nhiễm sông Cầu Bây

Ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây đã ở mức báo động cao, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sản xuất nông nghiệp của hàng nghìn người dân. Tuy nhiên, việc xử lý ô nhiễm môi trường của tuyến sông này cũng không dễ dàng, chưa có sự phối hợp giữa các quận, huyện và cơ quan chức năng.

Lượng rác thải phát sinh trên địa bàn Long Biên và Gia Lâm ngày càng lớn, khó kiểm soát, nhất là nước thải chưa qua xử lý. Phần lớn nước thải được đổ về các con sông như: Cầu Bây, Thiên Đức, sông Giàng… Chỉ tính riêng huyện Gia Lâm, mỗi ngày, sông Cầu Bây tiếp nhận khoảng 3.14 m3 nước thải khu dân cư qua 26 điểm xả chính của khoảng 31.047 người. Trong đó, nước thải sinh hoạt khoảng 2.826 m3, nước thải chăn nuôi khoảng 15 m3, nước thải sản xuất khoảng 300 m3. Trước thực trạng này, mới đây, huyện Gia Lâm đã phát động phong trào dọn vệ sinh sông Cầu Bây. Theo đó, huyện này đã huy động 1.000 người gồm: Các tầng lớp nhân dân, tổ chức tôn giáo, học sinh, sinh viên… thực hiện thu dọn rác ở dọc bên hai bờ sông; dùng phương tiện cơ giới vét bùn khơi thông dòng chảy. Tại những khu vực đất trống, sau khi đã thu dọn rác, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm tổ chức trồng cây hoa, tạo cảnh quan môi trường.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm, việc phát động người dân tham gia dọn vệ sinh sông Cầu Bây nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung của toàn dân và sự chung tay góp sức từ cộng đồng. Có như vậy môi trường mới thực sự bền vững và đảm bảo các tiêu chí nông thôn mới.

Việc làm của huyện Gia Lâm để cứu sông Cầu Bây là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, huyện này ở cuối nguồn con sông nên dù có dọn sạch đi chăng nữa nước, rác bẩn từ đầu nguồn dồn về cũng sẽ làm sông Cầu Bây bị ô nhiễm. Vì vậy, để giải cứu môi trường sông Cầu Bây cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương và các sở, ngành của thành phố.

Đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường quận Long Biên cho biết, trước tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây, hiện nay phía quận rất muốn chỉnh trang hai bên bờ sông, tổ chức nạo vét lòng sông nhưng do không có kinh phí nên chưa triển khai được theo kế hoạch.

Nói về việc ngặn chặn hành vi xả thải chưa qua xử lý ra sông Cầu Bây, ông Phạm Ngọc Hân, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm thông tin, đơn vị chỉ có chức năng thống kê, báo cáo và kiến nghị chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên Môi trường xử lý các điểm xả thải theo thẩm quyền. Tuy nhiên, công tác phối hợp xử lý giữa các đơn vị là rất hạn chế. Điều này thể hiện qua số liệu thống kê những điểm xả thải không phép trong nhiều năm qua chỉ tăng chứ không giảm.

Để nâng cao hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây, ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện Gia Lâm nêu ý kiến, thành phố cần sớm chấp thuận chủ trương nạo vét lòng sông Cầu Bây và xử lý môi trường bằng nguồn vốn duy tu, duy trì của thành phố. Phía huyện Gia Lâm sẽ chỉnh trang mái hai bên bờ sông bằng nguồn ngân sách địa phương.

    Nguồn: tinmoitruong.vn