Ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt tại đáy lưu vực sông Nhuệ

Ngày đăng: 19/07/2023 395 lượt xem

Lưu vực sông Nhuệ – Đáy chạy qua 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hoà Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Đây là LVS có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH)  nhưng hiện nay môi trường nước lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đang trong tình trạng báo động.

Theo kết quả Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc vừa công bố, có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả WQI <50 ở mức xấu đến rất xấu, trong đó 31% số điểm quan trắc cho giá trị WQI <25, nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.

Đoạn sông Nhuệ chảy qua TP. Hà Nội không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2019, ô nhiễm cục bộ vẫn tiếp diễn từ điểm Phúc La tới điểm Cống Nhật Tựu (WQI: 10-25). Trên sông Đáy, đoạn chảy qua Hà Nội và Hà Nam, phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận môi trường nước sông ở mức kém (WQI: 26-50), nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

Trên sông Châu Giang, chất lượng nước bị suy giảm mạnh tại điểm Đầm Tái (WQI: 18), nước sông bị ô nhiễm nặng, cần biện pháp xử lý trong tương lai (tại thời điểm quan trắc ghi nhận đoạn sông xuất hiện hiện tượng cá chết). Giá trị N-NH4+ (13,6 mg/L), cao gấp 15 lần QCVN 08-MT:2015, loại B1. Trên các sông nội thành Hà Nội, nước sông vẫn tục bị ô nhiễm nặng (WQI: 12-28), và không có dấu hiệu được cải thiện so với đợt quan trắc tháng 5/2019.

Quan trắc 185 điểm trên 5 lưu vực sông, có 15 điểm bị ô nhiễm nặng. Trong đó, lưu vực sông Nhuệ – Đáy chiếm tới 13 điểm. Đây là LVS LVS có chất lượng môi trường nước sông kém nhất trong số các LVS khu vực phía Bắc.


Nước thải sinh hoạt xả thẳng ra sông Nhuệ

Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc khẳng định, nguyên nhân là do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của Thành phố Hà Nội, Thành phố Thái Nguyên, Thành phố sông Công và nước thải làng nghề (tỉnh Bắc Ninh).

Tiếp nhận gần 65% nước thải sinh hoạt không được xử lý

Điều này cũng đã được chỉ rõ trong báo cáo của UBLVS Nhuệ – Đáy. Theo đó, lượng nước thải chủ yếu vào lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy là nước thải sinh hoạt, tiếp theo là nước thải làng nghề, CCN và KCN. Mỗi ngày LVS Nhuệ – Đáy phải tiếp nhận khoảng 1.982 nguồn thải, với tổng lưu lượng nước thải xả khoảng 19.048 m3/ngày đêm. Trong đó lưu lượng phát sinh từ sinh hoạt của người dân là 16.421 m3/ngày đêm.

Tỷ lệ nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ – sông Đáy chiếm tỷ lệ rất lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại (lên tới trên 65%), cụ thể như thành phố Hà Nội thải sinh hoạt thải ra sông Tô Lịch là 150.000m3 /ng.đ (chiếm 87%); còn các tỉnh còn lại đều chiếm trên 65%; tất cả các nước thải sinh hoạt này, hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Nhuệ – sông Đáy.

Điều đáng nói là chỉ tính riêng giai đoạn 2017 – 2018 kinh phí dành cho các dự án cải tạo lưu vực sông Nhuệ – Đáy là hơn 38.000 tỷ đồng. Đã có nhiều chương trình, dự án xử lý nước thải, cải thiện môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy được triển khai như: Dự án thí điểm xây dựng Trạm xử lý nước thải sông Nhuệ tại 2 thôn Phú Hà và Phú Thứ – Từ Liêm với công suất 400 m3/ngày đêm; xây dựng Trạm xử lý nước thải tại một số điểm xả vào sông Nhuệ với công suất 1.500 – 2.000 m3/ngày đêm; Dự án “Quản lý ô nhiễm môi trường các KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ – Đáy”… nhưng cho đến nay tình trạng ô nhiễm của lưu vực sông này vẫn chưa được cải thiện.
Nguồn : Báo tài nguyên môi trường