Một tuần xử lý ô nhiễm dầu như thế nào

Ngày đăng: 30/10/2019 376 lượt xem

Ngày 24/10, tổ xử lý hiện trường của Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam tiếp tục cho hút bùn trên kênh dẫn nước sạch sông Đà để loại bỏ dầu bám dính. Trước đó, họ đã triển khai múc bùn đất từ khe núi, lòng suối Trầm, suối Bằng về đến kênh dẫn vào nhà máy nước.

Ông Phạm Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (Trung tâm) cho hay, hơn một tuần trước, ông nhận được điện thoại từ lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà đề nghị tham gia xử lý sự cố dầu thải.

Ông Sơn cùng một nhóm cán bộ của Trung tâm lên đầu nguồn khảo sát và nhận định dầu thải đã bị khuếch tán ra môi trường, ngấm sâu vào đất, bám dính vào bùn cát dưới suối. “Vớt váng dầu, cây cỏ hai bên bờ suối chỉ xử lý được bề mặt. Việc đổ cát lên để át mùi dầu như Công ty nước sạch sông Đà đã làm càng khiến cho tình hình tồi tệ thêm”, ông Sơn nói.

Sáng 17/10, tổ xử lý 15 người của Trung tâm cùng trang thiết bị lên đến hiện trường. Trưa cùng ngày, sau khi kết thúc cuộc họp của nhà máy với cơ quan chức năng, phương án xử lý do Trung tâm đề ra được chấp thuận. Những tấm màng ngăn dầu dài 12 m được lắp tại suối Bằng; màng rộng 30 mét được căng ngang dòng kênh dẫn nước về nhà máy. Hai mươi mốt tấm lọc nằm cách nhau hơn 100 mét tạo thành những lớp phòng thủ, lần lượt ngăn váng dầu nhiễm trong đất đá, cỏ cây xuôi vào nguồn nước.

Mỗi ngày, tổ xử lý lại căng thêm vài tấm với tổng cộng đến nay là hơn 50 màng lọc từ kênh dẫn lên tận đầu nguồn các suối. Một tuần qua, một số màng lọc bị thấm đẫm váng dầu đã được thay thế.

Nhưng lắp màng ngăn mới chỉ là bước “ứng phó khẩn cấp”. Để xử lý triệt để, Trung tâm đề xuất với công ty nước sạch sông Đà nạo vét toàn bộ lớp đất ở khe suối bị đổ trộm dầu; hút lớp bùn, phù sa lắng từ suối Trầm về đến kênh dẫn nước, tập trung vào một nơi để xử lý. Múc đến đâu, các chuyên viên phun chất thấm và phân hủy sinh học dầu đến đấy.

Dầu có thể đã bám dính vào các hạt cát, phù sa lắng đọng xuống dưới. Không còn cách nào khác là cho nạo vét toàn bộ. Đoạn khe núi bị đổ trộm dầu đã vét sâu xuống tới hơn 3 mét”, ông Sơn nói.

Hôm nay 25/10, tổ xử lý tiếp tục hút bùn của kênh dẫn nước vào nhà máy và dự kiến 7 ngày tới mới xong. Ban đầu, công nhân dùng máy xúc loại nhỏ, nhưng tốc độ chậm nên chuyển sang dùng loại máy xúc cỡ lớn múc từng gàu, mỗi gàu khoảng một m3. Công nhân đào 2 cái ao tạm, lót bạt chống thấm dưới đáy ao. Bùn cát, phù sa có dầu bám dính được đưa qua màng lọc thành bùn khô, tập kết về hai ao tạm. Chờ kết luận của cơ quan điều tra, số bùn đất này sẽ được xử lý bằng chế phẩm sinh học.

“Nếu để cho dầu thải ngấm vào đất, không xử lý thì ô nhiễm có thể kéo dài cả thế kỷ chứ không phải tính bằng vài chục năm”, ông Sơn nói về sự cố nhiễm dầu của nước sạch sông Đà. Trải qua nhiều lần xử lý sự cố, ông thấy xăng là loại vật liệu dễ bay hơi, nhưng khi đã ngấm vào đất thì 40 năm sau tìm ra vẫn thấy sặc sụa mùi; nếu để cho tự phân hủy thì không biết bao nhiêu lâu. Dầu thải còn lâu hơn vì chứa những hợp chất phức tạp.

Từ sự cố nước sạch nhiễm dầu, ông Phạm Văn Sơn cho rằng, các doanh nghiệp phải nhìn nhận nghiêm túc hơn trong phòng ngừa, ứng phó với những việc bất thường có thể xảy ra. Họ thường nghĩ rằng tỷ lệ xảy ra bất trắc rất thấp, nên xây dựng quy trình ứng phó kiểu đối phó; mua trang thiết bị làm hình thức; diễn tập “như diễn kịch”.

“Khi sự cố xảy ra thì tất cả đều lúng túng, thậm chí đưa ra hàng loạt quyết định sai lầm khiến sự cố càng ngày tồi tệ thêm”.

(còn tiếp )

—————————-💧💧💧—–————————-

CÔNG TY CỔ PHẦN WESTERNTECH VIỆT NAM

🏢 Tầng 12, Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
☎️ +84 2466 638 759
📧 info@westerntechvn.com

🌐 http://www.westerntechvn.com