Mục tiêu khi xây dựng luật làm sao để đến năm 2020 nước ta có tiến bộ về thủy lợi

Ngày đăng: 20/02/2020 355 lượt xem
Chiều 20/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật thủy lợi. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận
Trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủy lợi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết việc ban hành Luật Thủy lợi được nâng cấp từ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi nhằm tập trung giải quyết các vấn đề bất cập chủ yếu trong việc thực thi pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do tính chất đa mục tiêu của công trình thủy lợi nên phạm vi điều chỉnh của Luật có một số vấn đề liên quan đến khai thác, sử dụng nước trong công trình thủy lợi, như: cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ, kết hợp phát điện, khai thác du lịch… Đối với các công trình chuyên dụng đã được điều chỉnh trong văn bản pháp luật khác như: công trình thủy điện, giao thông thủy, công trình cấp nước sinh hoạt… thì Luật Thủy lợi sẽ không điều chỉnh.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật mới gồm 9 chương và 69 điều. Dự thảo Luật xác định nguyên tắc trong hoạt động thủy lợi phải bảo đảm phù hợp với nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước,thống nhất theo lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, kết hợp theo địa giới hành chính, phục vụ đa mục tiêu; Bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, bảo đảm công khai, công bằng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong hoạt động thủy lợi; Phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội hiện tại và tương lai, thích ứng và hạn chế tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến vùng, liên vùng; việc khai thác công trình thủy lợi phải bảo đảm đồng bộ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Tổ chức, cá nhân có quyền được sử dụng dịch vụ thủy lợi; được bảo đảm an toàn trước những tác động bất lợi trong quá trình xây dựng và khai thác công trình thủy lợi; Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thủy lợi phải trả tiền theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc xây dựng và ban hành Luật thủy lợi là cơ hội của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải quyết một trong những vấn đề lớn của ngành nông nghiệp- giải quyết vấn đề nguồn nước trong nông nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các đơn vị hữu quan tiếp tục phối hợp để làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sao cho rõ ràng và tránh trùng lặp với các luật hiện hành. Dự án Luật phải làm rõ được chính sách của nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi, giải quyết được tình trạng mất nước, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn nước trong sinh hoạt và sản xuất cho người dân, ứng phó với biến đổi khí hậu đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, ngập mặn, hạn hán. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần phải tiếp tục rà soát để các điều khoản trong dự thảo Luật được quy định rõ ràng, cụ thể hơn, hạn chế các văn bản dưới Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng cần phải rà soát quy định một các chi tiết các điều của dự thảo Luật, tránh quy định quá nguyên tắc, không đảm bảo tính khả thi của luật khi mà có đến 10 trên 69 điều trong dự thảo là giao cho Chính phủ quy định, đặc biệt trong mục tài chính có đến một nửa các điều khoản là giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Đến dự và phát biểu ý kiến về dự án Luật thủy lợi, Nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề việc xây dựng Luật có những điểm gì phát triển hơn, nâng cấp hơn so với pháp lệnh hiện hành. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng phải nghiên cứu kỹ hơn và làm rõ sự cần thiết ban hành Luật thủy lợi, xác định rõ mục tiêu khi xây dựng luật làm sao để đến năm 2020 hoặc xa hơn nước ta có tiến bộ về thủy lợi.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội cho biết, một trong những hạn chế lớn nhất của ngành thủy lợi nước ta là điều hòa phân phối nguồn nước, các công trình thủy lợi được đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả đầu tư lại không cao, xây dựng công trình thủy lợi nhưng lại không đem được nước đến ruộng cho người dân. Vì vậy, nguyên Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải xác định rõ trong luật nguyên tắc bảo đảm cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, cho sản xuất của người dân, phải bảo đảm tiết kiệm nước, mội trường nước phải trong sạch, việc đầu tư xây dựng khai thác sử dụng công trình thủy lợi phải bảo đảm ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết được mối quan hệ trong quản lý các công trình thủy lợi từ trung ương đến địa phương.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong lĩnh vực thủy lợi phải biết huy động sức dân để toàn dân làm thủy lợi. Để làm được điều đó, dự thảo Luật cần phải quy định rõ ràng các loại công trình thủy lợi do ai xây dựng, điều kiện, cách thức và lợi ích khi đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

>>>Xem thêm: Hà Nội sắp hoàn thành nhiều dự án cấp nước