Tình trạng người dân sử dụng tràn lan các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu để khai quang, nhưng thiếu ý thức thu gom bao bì, vỏ chai đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường và nguồn nước sinh hoạt; các loại chất độc tồn dư trong bao bì chính là nhân tố gây bệnh cho con người.
>> Tài nguyên nước của nước ta ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững
Những năm gần đây, người dân các xã miền núi đã tiếp cận và sử dụng các loại thuốc BVTV để trừ bệnh cho cây cối. Tuy nhiên, việc người dân lạm dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, sử dụng vô tội vạ thuốc BVTV rồi vứt bỏ bao bì, vỏ chai ra môi trường đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm khó lường.
Theo khảo sát tại các xã vùng Lìa (huyện Hướng Hóa) và huyện Đakrông, thực trạng người dân đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều sử dụng thuốc BVTV rồi vứt bỏ bao bì, chai hộp có nhãn mác là chất độc tràn lan trên nương rẫy. Dường như, họ không lường hết những tác hại, hậu quả của việc ô nhiễm, tồn dư khi lạm dụng các loại thuốc chứa chất độc này.
Người dân vứt bỏ vỏ chai thuốc trừ cỏ tràn lan trên rẫy sắn
Điều đáng lo ngại là phía dưới những nương rẫy, ruộng lúa được phun, tưới chất độc từ thuốc trừ cỏ, trừ sâu là nguồn nước, nơi người dân thường xuyên sử dụng nước để tắm giặt, sinh hoạt, thậm chí sử dụng để nấu ăn.
Trước đây, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị không hề sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ gì để canh tác và tưới cho cây trồng. Nhưng vài năm gần đây, khi các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được bán tràn lan, giá rẻ nhưng hiệu quả thấy rõ, nên người dân đua nhau mua về dùng.
Tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa, chúng tôi gặp ông Đêng (SN 1953, trú tại thôn Ta Nua, xã Thanh), đang soạn thuốc, bình bơm để chuẩn bị lên rẫy. Ông Đêng cho biết, đang chuẩn bị thuốc để lên rẫy bơm cho cây sắn. Rẫy của ông Đêng gần dòng suối gần nhà.
Đổ gần đầy nước vào bình bơm, ông Đêng cho thuốc vào, rồi phun vào rẫy sắn. Hết bình này, ông lại đổ nước suối, thêm nắp thuốc rồi tiếp tục công việc phun thuốc lên khắp rẫy. Theo ông này, mỗi vụ phải bơm thuốc hai lần để diệt cỏ lúc mới trồng và lúc cây sắn lên cao.
Tình trạng người dân các địa phương sử dụng các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ cho cây trồng ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát, cấp phép kinh doanh các loại thuốc BVTV chưa thật nghiêm ngặt.
Theo tìm hiểu, người dân địa phương cho biết, việc mua các loại thuốc BVTV này không hề khó khăn. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến ngã ba xã Tân Long (huyện Hướng Hóa), hỏi mua các loại thuốc BVTV. Tùy theo nhu cầu, mua lẻ vài chai, vài gói hoặc mua cả lô, cả két thuốc diệt cỏ khai quang đều được người bán đáp ứng, nhưng khi dò hỏi về việc cấp phép bán thuốc BVTV, thì chủ cửa hàng lại tỏ ra dè dặt.
Nhờ ít tốn công trong việc làm cỏ nên thuốc BVTV được người dân sử dụng khá nhiều. Bây giờ, hiện hữu dưới bạt ngàn màu xanh các loại hoa màu, sắn, ngô, chuối… ở các huyện miền núi là lớp cỏ bị cháy khô do thuốc diệt cỏ. Mùa này sang mùa khác, để cây trồng vươn lên đơm hoa nảy mầm, người dân đua nhau mua thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu sử dụng một cách vô tội vạ, bất chấp độc hại.
Bà Nguyễn Hồng Phương – Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị thừa nhận, hiện người dân ở các huyện miền núi, đặc biệt là vùng người đồng bào thiểu số sinh sống sử dụng tràn lan các loại thuốc diệt cỏ khai quang. Không chỉ lạm dụng thuốc mà việc thu gom bao bì thuốc BVTV của bà con rất kém, chưa được quan tâm dẫn đến thực trạng bao bì tồn tại ở nương rẫy, sông suối, vì vậy khả năng ô nhiễm nguồn nước là rất cao.
Theo bà Phương, việc lạm dụng các loại thuốc này sẽ gây tác động tiềm tàng cho người sử dụng lẫn người sinh sống cạnh đó. Tồn dư các loại thuốc BVTV sẽ tích lũy rồi gây bệnh, ảnh hưởng về sau.
Trước tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, bà Phương cho hay đơn vị đã tổ chức khá nhiều lớp tập huấn về cách sử dụng thuốc BVTV, đã tăng cường thanh tra các cơ sở bán thuốc BVTV.
Thực tế đang tồn tại, ở Quảng Trị có đến 190 cơ sở bán các loại thuốc này, nhưng chỉ 90 cơ sở được cấp phép. Việc kiểm tra, xử phạt những cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trái quy định cũng rất khó khăn. “Khi phát hiện sai phạm, căn cứ quy định phạt từ 3 đến 4 triệu đồng, nhưng những người buôn bán trái phép họ vẫn lén lút” – bà Phương nói.
Theo ngành chức năng, hiện tại người dân dùng nhiều nhất là loại thuốc diệt cỏ khai quang, sử dụng cho sắn, chuối, lúa có tồn tại hoạt chất 2.4D và Paraquat có khả năng gây bệnh nguy hiểm cho động vật và con người.
Đăng Đức