Lý giải về nội dung này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho hay, tại Công văn số 4209/UBND-KTTH ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam, chỉ thống nhất cho phép Công ty TNHH Thép Việt – Pháp khảo sát, nghiên cứu đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt – Pháp tại thôn Hoa với quy mô diện tích khoảng 17,3 ha; chưa thống nhất với tổng mức đầu tư của dự án là 975 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư chỉ được UBND tỉnh xem xét tại quyết định chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, tại Thông báo số 420/TB-UBND ngày 23/9/2016 của UBND tỉnh về thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt -Pháp, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH Thép Việt – Pháp thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các quy định hiện hành. Theo thông báo này, trong quá trình lập quy hoạch chi tiết (1/500) dự án lưu ý đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường… phù hợp với cấp độ độc hại của nhà máy; đồng thời giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với dự án.
Trường hợp đánh giá tác động môi trường dự án tại địa điểm này (thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ) không đạt yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét chỉ đạo. Vì vậy, việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư của dự án chỉ được thực hiện khi đảm bảo quy định về đánh giá tác động môi trường và các quy định có liên quan.
Cũng theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam, dự án Nhà máy luyện cán thép Việt – Pháp dự kiến triển khai tại thôn Hoa chủ yếu sản xuất các loại phôi thép sử dụng nguyên liệu là sắt thép phế loại để nấu (không sử dụng quặng và than cốc). Công nghệ sản xuất, sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải.
Về nước thải sản xuất, chủ yếu là nước làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giải nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng không thải ra môi trường. Về bụi khí thải được xử lý qua 3 công đoạn, bụi khí thải từ 4 lò luyện cảm ứng và khí thải trên nóc các phân xưởng được thu gom qua quạt hút đến Xyclon màng nước (công đoạn 1), sau đó đến tháp bọt hấp thụ ướt (công đoạn 2) đến hệ thống hấp thụ ướt dạng sóng và tách nước (công đoạn 3) đến ống khói cao 30m thải ra môi trường…
Cũng theo ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam công nghệ sản xuất của Nhà máy luyện cán thép Việt – Pháp là nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép. Việc so sánh ô nhiễm môi trường của Nhà máy luyện cán thép Việt – Pháp với Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai là không có cơ sở, dẫn đến hiểu nhầm về mức độ ô nhiễm của Nhà máy luyện cán thép Việt – Pháp.
Nguồn tin: moitruongvn.org