Đề xuất lắp đặt cống ngầm dưới lòng sông, Tô Lịch sẽ không còn bị hàng trăm nghìn mét khối nước thải chảy vào mỗi ngày, đây là một tín hiệu đáng mừng cho “dòng sông chết” ở Thủ đô.
Hà Nội vừa triển khai gói thầu gói thầu xây dựng hệ thống ống ngầm gom nước thải dọc sông Tô Lịch, thuộc dự án dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Dự án có phạm vi xây dựng trên 4.900 ha, với tổng chiều dài khoảng 52,6 km, trải rộng trên nhiều quận, huyện. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước, và môi trường TP Hà Nội nhấn mạnh đây là dự án vô cùng quan trọng của Hà Nội, hướng tới giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, sông Lừ.
Một đoạn sông Tô Lịch khi chưa được xử lý nguồn nước thải
Tổng chiều dài đường ống là 21,7 km, trong đó có 13 km đi ngầm dưới lòng sông Tô Lịch. Theo ông Hùng, khoan kích ngầm giúp việc thi công không làm ảnh hưởng đến bề mặt của hạ tầng kỹ thuật như đường sá, cầu cống. Khi thi công không gây ùn tắc giao thông, hay ảnh hưởng đến đời sống dân cư và đặc biệt là không cần giải phóng mặt bằng.
“Việc đào ngầm các hạng mục cống thoát nước ở độ sâu 6-19 m cũng giúp giảm thiểu rủi ro, mất an toàn trong thi công so với đào mở“, ông Hùng cho hay.
Ông Kazutoshi Akasaka, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật của dự án, cho hay công nghệ khoan kích ngầm là giải pháp tối ưu, giảm thiểu tác động đến công trình hạ tầng sẵn có.
Trước tiên, máy khoan được đưa xuống lòng đất bằng hệ thống kích thủy lực từ giếng xuất phát. Sau đó, chuỗi ống đúc sẵn được nối liền theo máy khoan và đi cùng máy khoan vào lòng đất. Khi máy khoan chạm đến giếng nhận sẽ tạo nên một tuyến ống dài nối với giếng xuất phát. Mỗi ngày, máy có thể khoan kích đoạn cống dài khoảng 12 m.
Đơn vị thi công của gói thầu này là Công ty Tekken (Nhật Bản). Công nghệ khoan kích ngầm sẽ do trực tiếp các kỹ sư Nhật Bản triển khai với tổng tiến độ thi công dự kiến trong 48 tháng.
Trao đổi với Lao Động về giải pháp này, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội – cho rằng, việc thoát nước, tách nước cho TP. Hà Nội là vấn đề lớn đã được đề cập trong nhiều năm nay. Đặc biệt là việc đặt cống gom nước thải sông Tô Lịch đã được nêu ra từ nhiều năm trước. Việc các dòng sông phải tiếp nhận nước mưa, nước thải sinh hoạt cùng nhau sẽ gây ô nhiễm môi trường.
“Dự án triển khai lần này đã được trao đổi rất kĩ bởi các nhà khoa học. Đây là giải pháp căn cơ, giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Tô Lịch. Khi không phải nhận nước thải nữa, chắc chắn sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét sẽ được cải thiện, trong xanh hơn” – ông Nghiêm nói.
Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng cho rằng đây mới chỉ bước khởi đầu, muốn xử lý tận gốc ô nhiễm môi trường tại các con sông, thì trước hết phải gia tăng xử lý nước thải ở cuối các nguồn tại sông Tô Lịch, trong quy hoạch đã có. Từ đó nhân rộng ra các con sông khác tại Hà Nội. Ngoài ra, bên cạnh việc giải quyết vấn đề nước thải, Hà Nội cần đẩy nhanh thu hút mọi nguồn lực đầu tư.
“Khi dòng sông không còn ô nhiễm nữa, cần khai thác cảnh quan, thảm xanh quanh dòng sông để người dân được hưởng lợi. Nhưng việc này cần được nghiên cứu đồng bộ để phát triển dự án này tốt hơn” – ông Nghiêm nói thêm.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Hà Đình Đức – người có nhiều năm nghiên cứu về sông Tô Lịch cho biết, giới khoa học, các nhà nghiên cứu rất tin tưởng và ủng hộ dự án lần này của Hà Nội. Đây được xem là giải pháp tối ưu giải quyết dứt điểm nước thải sinh hoạt tại sông Tô Lịch.
“Đề xuất này đã có từ rất lâu, tuy nhiên trải qua bao nhiêu giải pháp thất bại trước đó, đến nay dự án này mới được thực hiện. Việc cải tạo dòng sông Tô Lịch mang ý nghĩa lớn lao cho Hà Nội, bởi Tô Lịch không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của kinh thành Thăng Long xưa” – ông Đức cho hay.
Cũng trao đổi với GD&TĐ về giải pháp này, GS.TS Trần Hồng Côn, ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng cho “dòng sông chết” ở Thủ đô. Việc có đường ống gom nước thải riêng của sông Tô Lịch khiến cho dòng sông không bị tác động thêm của nguồn ô nhiễm. Tuy vậy cũng cần lưu ý, khi đường ống gom nước thải ra sông Tô Lịch đi vào hoạt động thì lượng nước bổ cập cho sông Tô Lịch sẽ bị hạn chế đi. Từ đó, không tạo ra dòng chảy, làm giảm khả năng đào thải của con sông.
Hà Nội cũng cần phải tính toán lượng nước sau xử lý sẽ phải bổ cập lại cho sông Tô Lịch như thế nào. Cần phải làm sao lượng nước bổ cập phải tương đương với lượng nước lấy đi. Nếu không có nước bổ cập cho sông Tô Lịch thì vấn đề ô nhiễm sẽ vẫn chưa thể khắc phục. Với lượng nước thải xử lý khổng lồ mỗi ngày, nên nghiên cứu nước sạch sau xử lý bảo đảm quy chuẩn môi trường thì bổ cập vào sông, hồ nội thành.
Nguồn: Tổng hợp