Hỏi và trả lời quy định Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước- Giấy tờ thủ tục liên quan

Ngày đăng: 13/09/2023 365 lượt xem

1. Quy định định kỳ báo cáo hoạt động khai thác nước

Câu hỏi:
Theo Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT quy định giấy phép khai thác nước dưới đất và Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất: ngày 15/12 hàng năm các doanh nghiệp có giấy phép khai thác nước dưới đất phải lập báo cáo tình hình khai thác nước dưới đất và có quy định rõ ràng về các mục phải báo cáo. Vậy xin cho hỏi còn đối với doanh nghiệp có giấy phép khai thác nước mặt thì căn cứ vào đâu để lập báo cáo tình hình khai thác nước mặt , văn bản nào quy định nội dung cần có trong báo cáo.
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2, điều 32, Nghị định số 201/2013/ND-CP quy định chi tiết thi hành 1 số điều Luật Tài nguyên nước, việc lập báo cáo hiện trạng KTSD nước mặt dành cho trường hợp đã có công trình khai thác.
Mẫu báo cáo và nội dung báo cáo được quy định tại mẫu 30 của thông tư số 27/2014/TT-BTNMT  Quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước.
Về quy định thời gian nộp báo cáo, tại điều 44, Luật tài nguyên nước đã quy định về việc đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và Điều 16 của Nghị định 201/2013/NĐ-CP đã quy định các trường hợp khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, không phải xin phép. Như vậy, các tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp không phải đăng ký, không phải xin phép thì đều phải có nghĩa vụ xin cấp phép. Và việc xin cấp phép này phải thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư  đối với công trình chưa khai thác và đối với các công trình đã có công trình khai thác, việc xin cấp phép phải thực hiện ngay khi các quy định về cấp phép tài nguyên nước có hiệu lực.

2.Quy định pháp luật về xả nước thải sinh hoạt ra biển

Câu hỏi:
Tôi được biết là đã có quy định về thải nước thải sinh hoạt ra biển. Vậy cho tôi hỏi là thải thế nào, làm thêm đường ống ra sát mép khu đất với bờ biển hay là đặt ra xa sát ngoài biển luôn. Nếu vậy phải đào sâu xuống phải không? để thải ra biển. Tôi thấy nếu đặt gần bờ thì người ta thấy nước chảy ra dơ. Cảm ơn
Trả lời:
Sở TNMT Bình Thuận trả lời:
Ngày 29/5/2014 Cục Quản lý Tài nguyên nước có Công văn số 782/TNN-BVTNN về việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước. Theo đó, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường : “… Rà soát và yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chấm dứt hoạt động xả nước thải vào các tầng chứa nước dưới mọi hình thức. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các vùng đất cát, cồn cát ven biển có biện pháp chuyển nước thải đã xử lý vào nguồn nước mặt hoặc nước biển, không để xảy ra tình trạng để nước thải thấm vào các tầng chứa nước dưới đất.….”.
Chấp hành ý kiến chỉ đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước; Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hướng dẫn việc thực hiện nội dung nêu trên. Theo đó, nước thải đã xử lý đạt tiêu chuẩn phải được chuyển vào nguồn nước mặt hoặc nước biển; không để xảy ra tình trạng để nước thải thấm vào các tầng chứa nước dưới đất; hệ thống chuyển nước thải ra nguồn nước biển, nước mặt phải đảm bảo đạt các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, tính thẩm mỹ và các quy định khác của pháp luật.

3.Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, không phải xin phép

Câu hỏi:
Em chào anh chị,
Anh chị cho em hỏi: Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, không phải xin phép?
Em cảm ơn anh chị!
Trân trọng,
Trả lời:
Theo Điều 16, Nghị định 201/NĐ-CP quy định về các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, không phải xin phép như sau:
1. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định tại các Điểm a, c, d và Điểm đ Khoản 1 Điều 44 của Luật tài nguyên nước mà không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 44 của Luật tài nguyên nước.
2. Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 44 của Luật tài nguyên nước bao gồm:
a) Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 44 của Luật tài nguyên nước;
b) Khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây;
c) Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không vượt quá 100 m3/ngày đêm;
d) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW;
đ) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với quy mô không vượt quá 10.000 m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động trên biển, đảo.
3. Các trường hợp không phải xin phép xả nước thải vào nguồn nước quy định tại Khoản 5 Điều 37 của Luật tài nguyên nước bao gồm:
a) Xả nước thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình;
b) Xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 5 m3/ngày đêm và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ;
c) Xả nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung mà hệ thống đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và có thỏa thuận hoặc hợp đồng xử lý, tiêu thoát nước thải với tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đó;
d) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 10.000 m3/ngày đêm hoặc nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, suối, hồ chứa.

4. Quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước

Câu hỏi:
Xin hãy cho biết, trách nhiệm quan trắc, giám sát tài nguyên nước được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 28, Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13,
1. Trách nhiệm quan trắc, giám sát tài nguyên nước được quy định như sau:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quan trắc, giám sát về số lượng, chất lượng nguồn nước, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quan trắc, giám sát về số lượng, chất lượng nguồn nước, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các nguồn nước nội tỉnh;
c) Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có trách nhiệm quan trắc, giám sát việc khai thác, sử dụng nước và xả nước thải của mình theo quy định.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc quan trắc, giám sát tài nguyên nước.

 5.Với mức xả thải khoảng 300m3/ngày đêm, có cần phải xin phép xả nước thải vào nguồn nước không?

Câu hỏi:
Công ty chúng tôi chuyên sản xuất tôm giống (tôm chân trắng, tôm sú,) cung cấp cho người dân trong khu vực, với mức xả thải khoảng 300m3/ngày đêm (thay nước trong quá trình chăm sóc), và đã có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải (QCVN 40:2011/BTNMT) trước khi thải ra môi trường tiếp nhận (Kết quả báo cáo giám sát môi trường định kỳ)
Theo điểm d, khoản 3, điều 16 của Nghị định 201/2013/NĐ-CP về quy định thi hành chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước, Quy định Xả nước thải nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 10.000 m3/ngày đêm hoặc nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, suối, hồ chứa
Như vậy, trong trường hợp này, công ty chúng tôi có cần phải xin phép xả nước thải vào nguồn nước không?
Rất mong Cục Quản lý tài nguyên nước – Bộ TNMT giải đáp để chúng tôi có cơ sở báo cáo với các đơn vị quản lý trên địa bàn Tỉnh
Chân thành cám ơn.
Trả lời:
Theo khoản d, điểm 3, điều 16 Nghị định 201/2013/ND-CP đã nêu rõ: các trường hợp không phải xin cấp phép bao gồm có xả nước thải nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 10.000m3/ngày đêm hoặc nuôi trồng thủy sản trên biển, sông suối, hồ chứa.
Như vậy, theo quy định thì Công ty không cần phải xin phép xả nước thải vào nguồn nước. Tuy nhiên, quý công ty cần tìm hiểu thêm các quy định về cấp phép hoạt động tài nguyên nước trên địa tỉnh để phù hợp với các quy định cụ thể của từng địa phương.

6.Giấy phép xả thải vào nguồn nước

Câu hỏi:
Công ty của chúng tôi hiện nay đã xây dựng HTXL nước thải công suất 100m3/ngaydem và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường QCVN 40 với lưu lượng thực tế xả là 70m3/ngay dem. Tuy nhiên, do nhu cầu tưới cây xanh trong khuôn viên công ty nên đã tái sử dụng hoàn toàn 100% nước thải sau xử lý. Vậy xin cho hỏi công ty chúng tôi có phải làm giấy phép xả nước thải vào nguồn nước hay không. Hiện tại công ty chúng tôi không xả thải ra môi trường mà tái sử dụng nước hòan toàn?
Lương Lưu Nhân , Quận Tân Bình, TPHCM.
Trả lời:
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời:

Theo quy định của Luật tài nguyên nước và quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thì hành một số điều của Luật tài nguyên nước thì trường hợp Bạn của thuộc diện phải xin phép xả nước thải vào nguồn nước.
Trường hợp Bạn trữ nước thải sau khi đã xử lý đạt tiêu chuẩn trong ao, hồ thuộc phạm vi đất sử dụng hợp pháp của mình để để tưới cây thì cũng phải tuân thủ quy định tại Khoản 5 Điều 26 của Luật tài nguyên nước, bảo đảm không làm ô nhiễm đất, nguồn nước mặt, nước dưới đất tại khu vực đó, đồng thời phải tuân thủ Quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

7.Cấp giấy phép xả thải

Câu hỏi:
Nếu chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì doanh nghiệp có thể tiến hành làm hồ sơ xin cấp Giấy phép xả thải được không? Thủ tục như thế nào?
Trả lời:
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương trả lời câu hỏi của Anh/Chị như sau:
• Về thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước: Căn cứ Khoản 1, Điều 33, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước thì Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;
b) Đề án xả nước thải vào nguồn nước kèm theo quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải đối với trường hợp chưa xả nước thải; báo cáo hiện trạng xả nước thải kèm theo quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải đối với trường hợp đang xả nước thải vào nguồn nước;
c) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước tiếp nhận tại vị trí xả nước thải vào nguồn nước; kết quả phân tích chất lượng nước thải trước và sau khi xử lý đối với trường hợp đang xả nước thải. Thời điểm lấy mẫu phân tích chất lượng nước không quá ba (03) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
d) Sơ đồ vị trí khu vực xả nước thải.
Như vậy về thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước không yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
• Về trình tự cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước: theo quy định tại Điều 33, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP được quy định như sau
1. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp hai (02) bộ hồ sơ và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép còn phải nộp thêm một (01) bộ hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương dự định đặt công trình;
b) Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.
2. Thẩm định đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trong hồ sơ đề nghị cấp phép (sau đây gọi chung là đề án, báo cáo):
a) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định đề án, báo cáo; nếu cần thiết thì kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án, báo cáo. Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và thông báo lý do không cấp phép;
b) Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời gian bổ sung, hoàn thiện hoặc lập lại đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo. Thời gian thẩm định sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là hai mươi (20) ngày làm việc;
c) Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép.
3. Trả kết quả giải quyết hồ sơ cấp phép
Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận giấy phép.