Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: 95% nước thải sinh hoạt chưa xử lý thải trực tiếp ra môi trường

Ngày đăng: 14/09/2023 109 lượt xem

Những vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và rác thải chưa xử lý là các nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vào chiều qua (4/6).

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà

Trả lời đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) về tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận: ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường lưu vực sông đặc biệt trong những tháng vừa qua đã nổi lên.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên.

Nguyên nhân thứ nhất, đó là nguồn thải từ các nhà máy, khu công nghiệp. Trong thời gian vừa qua Bộ TN&MT, các bộ, ngành và địa phương đã kiểm soát về cơ bản các nguồn thải này, đồng thời có những biện pháp rất cụ thể để yêu cầu xử lý đạt tiêu chuẩn và giám sát kiểm soát, trước khi thải ra môi trường.

“Riêng có một điều hiện nay rất khó khăn, đó là do quá trình phát triển cơ sở đầu tư hạ tầng, chúng ta chưa chú ý đến khâu thu gom nguồn nước thải, dẫn đến nước thải với nước mưa lẫn với nhau. Nói chung gần như hạ tầng các đô thị hiện nay rất yếu kém, cỡ khoảng 95% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý và thải trực tiếp ra môi trường.” – ông Trần Hồng Hà nói

Hiện tượng ô nhiễm nữa được Bộ trưởng TN&MT chỉ ra là các làng nghề truyền thống, khu công nghiệp cũ lạc hậu biến tướng tham gia khu vực này với năng lực và điều kiện hạn chế nhưng chúng ta chưa kiểm soát được hết các khu vực này. Lý do là nguồn lực đầu tư nhà nước có hạn. Vấn đề phải làm rõ trách nhiệm lưu vực sông, địa phương nào có trách nhiệm đến đâu. Hiện nay đã có cơ chế, có Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông nhưng thực tế thời gian đã có tiến bộ bước đầu xác định là địa phương nào có nhiều nguồn nước thải, địa phương nào có điều kiện kinh tế khá hơn thì các địa phương phải lo xử lý tại nguồn nước của mình.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, với cơ chế sắp tới sẽ xác định nguồn nước thải của từng địa phương và có cơ chế trách nhiệm của từng địa phương. Chúng ta biết Hà Nội đã có cơ chế huy động xã hội hóa đầu tư tư nhân vào áp dụng công nghệ phù hợp và tiến hành xử lý được và dự kiến đến năm 2020 tư nhân hóa để tham gia xử lý nguồn nước thải với sự hỗ trợ bù giá của thành phố Hà Nội bên cạnh chi phí còn thấp của người dân.

Tuy nhiên, để áp dụng cơ chế như Hà Nội, người đứng đầu ngành TN&MT cho rằng cần mấy giải pháp sau:

Thứ nhất là xác định từng thành phố phải chịu trách nhiệm với nguồn thải của mình.

Thứ hai là phải có sự đầu tư huy động từ các nguồn lực xã hội để thu gom nguồn nước thải này và có công nghệ thích hợp xử lý phân tán hoặc xử lý chung.

Giải pháp thứ ba là phải từng bước để người dân có tham gia vào việc này. Tức là hiện nay chi phí xử lý nước thải đóng góp chỉ khoảng 7% trong chi phí xử lý thật, chứ không đảm bảo.

Với trách nhiệm cụ thể của từng địa phương sẽ thiết lập hệ thống giám sát của địa phương này địa phương kia. Trên cơ sở đó với cơ chế đầu tư, trách nhiệm từ nguồn lực nhà nước cũng như cơ chế để xã hội hóa chúng ta có thể giải quyết vấn đề trong tương lai gần. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trao đổi làm việc với Hà Nội, đặc biệt là vai trò đánh giá nguồn nước thải của từng địa phương và cung cấp các công nghệ cần thiết.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cũng chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề ô nhiễm đất và nước. “Hiện nay đất và nước đều bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, phần lớn là do rác thải và phế liệu. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý rác đã trở lên bất cập do thiếu hướng dẫn và vượt quá khả năng xử lý của các chính quyền địa phương cũng như gây lãng phí vì đã đầu tư công nghệ xử lý rác chưa đạt.”- ông Lê Công Nhường lo ngại.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, hiện nay tình hình chúng ta cũng chưa thể kiểm soát và làm giảm đi tình hình ô nhiễm, trong đó có vấn đề rác thải là vấn đề hết sức bức xúc. “Tôi đồng tình với đại biểu Nhường” – Bộ trưởng Hà nói nhưng theo người đứng đầu ngành TN&MT, hôm nay nếu nói vấn đề rác thải, với tư cách Bộ trưởng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm, nhưng Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về vấn đề công nghệ.

“Đương nhiên, chúng tôi sẽ có cơ chế. Tôi và đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng thấy nếu chúng ta không phối hợp mà cứ phân như vậy sẽ không làm được. Chúng tôi đã trình Thủ tướng ban hành Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải (sửa đổi) 491 ngay tháng 5/2018, trong đó đã nói đầy đủ từ quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, đặc biệt là chú trọng đến công nghệ xử lý rác, trong đó tính toán đến tính phù hợp của các điều kiện kinh tế ở đô thị và địa phương.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về cơ chế phối hợp với Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần phải tạo phong trào toàn dân tham gia xử lý rác, phân loại tại nguồn thì lúc đó công nghệ xử lý rác có thể vừa thành phân hữu cơ, vừa thành điện. Với tỷ lệ rác phát sinh như hiện nay Bộ TN&MT đặt mục tiêu đến năm 2025 chỉ còn 7% chôn lấp, còn nữa phải đốt. Các bãi rác cũ hiện nay quỹ đất chiếm rất lớn và ô nhiễm, chúng tôi sẽ xem xét xử lý.

Đức Nghiêm