Tìm phương án “giải cứu” nhà máy xử lý rác như thế nào

Ngày đăng: 08/09/2023 323 lượt xem

Bãi chôn lấp chất thải rắn Thủy Phương có tổng diện tích 14ha, gồm 2 bãi chôn lấp với tổng diện tích chôn lấp là 4,8ha; khu xử lý nước rỉ rác với diện tích 1,5ha; lò đốt chất thải nguy hại với công suất 350 kg/giờ. Trong đó, bãi chôn lấp số 1 với diện tích 2,2 ha vận hành từ năm 1999 đến năm 2008 đã lấp đầy và được đóng bãi chôn lấp theo quy định. Bãi chôn lấp số 2 với diện tích 2,6ha vận hành từ năm 2008 đến hết năm 2018. Bãi chôn lấp rác số 2 mở rộng có dung tích 350.000 m3 và chỉ kéo dài đến hết năm 2020.

 

Theo quy trình xử lý, rác thải sinh hoạt trên địa bàn do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế thu gom, vận chuyển. Sau khi phun hóa chất diệt ruồi, muỗi, chế phẩm khử mùi, rác được phân loại, ủ thành phân và đốt. Phần còn lại chủ yếu là rác trơ được đổ vào bãi chôn lấp Thủy Phương do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế quản lý.

 


Nhà máy xử lý rác Thủy Phương đang quá tải

 

Qua thống kê gần nhất, mỗi ngày toàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát sinh khoảng 600 tấn rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại. Riêng khu vực TP. Huế phát sinh mỗi ngày 200 tấn rác sinh hoạt thì có đến 6% là rác nhựa và túi ni lông. Đó là chưa nói lượng chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn y tế, chất thải rắn công nghiệp thải ra hàng ngày…

 

Những năm gần đây, vì số lượng rác quá lớn nên nơi này quá tải, xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại địa phương khiến người dân sống xung quanh vô cùng bức khó chịu…

 

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, hiện nay toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phú Lộc và huyện Phú Vang đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Thủy Phương với khối lượng bình quân 480 tấn ngày. Với  khối lượng chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp này và dung tích còn lại như hiện nay, dự kiến bãi số 2 mở rộng sẽ lấp đầy vào cuối năm 2020. Đồng thời, sau năm 2020, khi bãi rác số 2 mở rộng Thủy Phương lấp đầy, sẽ không có một cơ sở xử  lý rác nào đủ điều kiện để tiếp nhận và xử lý rác theo đúng quy định.

 

Mới đây, qua kiểm tra, nắm tình hình thực tế tại nhà máy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế – Phan Thiên Định đề nghị Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế tăng cường tiến độ thực hiện xử lý chất thải rắn tại khu xử lý rác Thủy Phương đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm xử lý rác thải sinh hoạt sau khi bãi rác Thủy Phương được lấp đầy vào cuối năm 2020, nhất là phải đảm bảo công tác thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở TN&MT tiến hành kiểm tra, giám sát xử lý rác thải tại đây và báo cáo kết quả xử lý hàng tháng lên lãnh đạo tỉnh.

 

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị liên quan tìm phương án xử lý

 

Cũng theo tìm hiểu của PV, để giảm tải rác tải sinh hoạt khi bãi rác Thủy Phương lấp đầy, hiện Dự án nhà máy xử lý rác Phú Sơn (tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế) đang được xây dựng.

 

Dự án có quy mô thu gom bao gồm địa bàn TP. Huế (các phường phía Nam sông Hương), thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc; quy mô chôn lấp sức chứa 450.000m3; các phân khu chức năng gồm khu điều hành, phân loại – tái chế, khu xử lý theo công nghệ sinh học; khu đốt rác, chôn lấp, khu xử lý rác thải y tế, khu cây xanh, mặt nước… 

 

Hiện nay, nhà đầu tư đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng thực hiện đầu tư dự án, hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đang triển khai các thủ tục về đầu tư, bao gồm: Lập quy hoạch chi tiết 1/500 thuộc phạm vi dự án, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, lập bổ sung quy hoạch Điện lực quốc gia dự án đốt rác sinh hoạt phát điện xã Phú Sơn… và một số công việc khác. Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021.

 

Thời gian hoạt động của dự án 25 năm, thời gian kết thúc dự án tối đa đến năm 2044. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, công suất xử lý 600 tấn rác/ngày đêm. Đây sẽ là nhà máy xử lý rác lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế.
 

Nguồn : Báo Tài Nguyên & Môi Trường