Xử lý nước thải bằng bèo tây

Ngày đăng: 19/05/2023 484 lượt xem

Xử lý rác và nước thải sinh hoạt của các thành phố là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, xử lý rác và nước thải vẫn là những đòi hỏi đầu tư nghiên cứu thường xuyên đối với các nhà khoa học, vì hai lý do sau: thứ nhất, nếu muốn áp dụng công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam thì phải nghiên cứu tìm điều kiện phù hợp; thứ hai, rác thải sinh hoạt là một thể loại chất thải phụ thuộc vào tập quán sinh hoạt của từng nước, từng dân tộc và hơn nữa là của từng địa phương, vì vậy việc nghiên cứu tại chỗ là giải pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất. Hiện nay, khu chứa rác Nam Sơn của Thành phố Hà Nội là một trong những địa điểm xử lý rác đang được Nhà nước tập trung hoàn thiện theo thiết kế của quốc tế.

Để triển khai công nghệ xử lý nước thải cho khu chứa rác thải Nam Sơn, các nhà khoa học thuộc Viện Hóa Học, Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu phương pháp dùng bèo tây để xử lý nước rò từ bãi rác.

Bèo tây là loài thực vật thủy sinh thường phát triển tốt ở những vùng nước bị ô nhiễm, có khả năng hấp thụ kim loại nặng và các chất ô nhiễm hữu cơ.

Qua phân tích người ta thấy rằng, nước rò từ bãi rác có các thành phần ô nhiễm chủ yếu là amôni tổng lượng N, COD và BOD với hàm lượng rất cao.

Trong thí nghiệm, dịch rò từ bãi rác được pha loãng để có hàm lượng NH4+ từ 400 mg/lít xuống còn khoảng trên dưới 100 mg/lít, là giới hạn nồng độ mà cây có thể chịu đựng được. Bèo tây thí nghiệm nuôi trồng ở đó đều phát triển, thể hiện qua sự tăng trọng lượng tươi tương đối nhanh.
Hàm lượng NH4+ sau khoảng thời gian một vài ngày đầu thí nghiệm đã giảm nhanh từ 100,383 mg/lít xuống còn 6,560 mg/lít.

Nhu cầu oxy hóa học (COD) đã giảm khá nhanh, khoảng từ 60 đến 70% sau 25 ngày, còn hàm lượng BOD đã giảm gần 9 lần.

Nếu kết hợp với quá trình tiền xử lý hóa học đơn giản như keo tụ, trộn vôi và sục CO2 hoặc sau giai đoạn tự phân hủy hiếu khí, nước rò từ bãi rác được  pha loãng để giảm hàm lượng NH4+ xuống còn khoảng 100 mg/lít thì khả năng sử dụng bèo tây để xử lý chất lượng nước thải nhằm đạt tiêu chuẩn cho phép là hoàn toàn khả thi.

Theo báo cáo khoa học