Các đại biểu, chuyên gia trao đổi về vấn nạn môi trường và hội nhập
Tìm cơ hội trong thách thức
Mekong Connect là diễn đàn quốc tế có uy tín về kinh tế và kinh doanh của khu vực tiểu vùng sông Mekong, là sự kiện thường niên dành cho các cấp quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp (DN) của ĐBSCL. Đồng thời là nơi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin, cơ hội kinh doanh cho các DN trong khu vực.
Diễn đàn có sự tham gia thảo luận của lãnh đạo các tỉnh thành trong khối liên kết ABCD Mekong (Bao gồm An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), các tỉnh thành khu vực ĐBSCL cùng các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế và hơn 500 doanh nhân đến từ TP HCM, Hà Nội và các tỉnh ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định vai trò quan trọng của việc kết nối hợp tác, phát huy sáng kiến của các doanh nhân vì mục đích khởi nghiệp và phát triển chung của kinh tế khu vực. Vấn đề khởi nghiệp hiện nay phải được quan tâm hàng đầu.
Các phiên chợ khởi nghiệp mới đây đã thu hút nhiều bạn trẻ, chứng tỏ đó là nguồn lực mới, dồi dào đem lại lợi thế lớn cho các DN. Trước các vấn nạn lớn hiện tại, cần phải tìm và tận dụng các cơ hội để tiếp tục phát triển, hội nhập.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường và thách thức trong hội nhập là những nội dung cấp bách thiết thực, cần tập trung giải quyết. Đồng thời, ĐBSCL là khu vực chủ lực trong sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp, thủy hải sản.
Để tiếp tục phát triển, cần phải thay đổi nhận thức và hành động của nông dân và các DN cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu hiện đại vào sản xuất để làm ra những sản phẩm an toàn đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển thị trường khoa học công nghệ, phát triển công nghệ cao, hỗ trợ đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu. Hướng tới kết quả cao nhất cho DN và người khởi nghiệp.
Còn TS. Philip Zerillo, Giáo sư Đại học SMU (Singapore) chia sẻ: Biến đổi khí hậu sẽ làm cho mọi thứ thay đổi một cách nhanh chóng. Dự báo vài năm tới, dân số thế giới sẽ tăng thêm 1 tỷ người, tập trung vào các nước đang phát triển. Dân số tăng nhưng lượng nước ngọt lại giảm dẫn đến việc thiếu nước nghiêm trọng. Đồng thời, 2030 thì nhu cầu lương thực thực phẩm tăng khoảng 30% nhưng đất đai đang bị suy thoái và xuống cấp và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Điều đó cũng ảnh hưởng đến phát triển kinh doanh của các DN.
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, nên có tinh thần lạc quan trước những vấn nạn môi trường và biến đổi khí hậu. Cần nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan, “trong họa có phúc”. Bên cạnh đó, phải thay đổi tâm thế, sẵn sàng đổi mới trong người dân và DN phải bắt đầu từ môi trường thu hút đầu tư.
Hướng đến một khu vực giàu có
Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại diễn đàn. Bà Lan cho biết, kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt trước những thách thức to lớn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Theo báo cáo Việt Nam 2035 của Chính phủ, Việt Nam phải đối mặt với năng suất thấp, sụt giảm, hệ thống đổi mới sáng tạo yếu kém, đô thị hóa chưa tăng trưởng và sẽ dẫn đến tăng trưởng “xám” và biến đổi khí hậu thay cho tăng trưởng xanh. Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn về mọi mặt từ nhân lực, đến tài nguyên, thị trường, thiên tai,…
Để khôi phục và tăng trưởng năng suất cần phải nỗ lực tạo môi trường thuận lợi nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất của khu vực tư nhân trong nước. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng thị trường, hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp. Phải phấn đấu đạt được những lợi ích kinh tế lớn hơn trong khi sử dụng ít hơn các đầu vào, chuyển đổi sang thực hành sản xuất nông nghiệp dựa vào trí thức kỹ năng, tính hiệu quả kinh tế theo quy mô và chuỗi giá trị.
Đồng thời bà Lan cũng cho biết sẽ có thêm nhiều thách thức mới, dân số đã có dấu hiệu già hóa dân số từ 2013, ảnh hưởng và bị tác động mạnh bởi thảm họa môi trường. Đặc biệt, bà quan tâm và nhấn mạnh về vai trò của xây dựng hệ thống kinh doanh nông nghiệp. Nếu không có hệ thống kinh doanh thì nông nghiệp cũng khó phát triển. Nó giúp nông nghiệp củng cố và tăng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng hệ thống phân phối hiện đại.
Tại Diễn đàn, các đại biểu và chuyên gia đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Tập trung tìm giải pháp thu hẹp khoảng cách và tối ưu hóa chuỗi giá trị nông nghiệp, ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao và mô hình nông nghiệp thích ứng – những gợi ý cho ĐBSCL. Đồng thời, tìm lời giải bài toán nhân lực cho nền kinh tế xanh và “lò xo” khởi nghiệp để tiếp tục phát triển và hội nhập quốc tế.
Xem thêm tại
http://westerntechvn.com.vn/tinh-toan-luong-khi-nha-kinh-tu-nuoc-thai-sinh-hoat.htm