Lòng chảo Điện Biên được ví như “chiếc ao” khổng lồ trên núi. Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguy cơ khu vực này chịu ảnh hưởng của các trận mưa lũ ngày càng tăng cao. Quy hoạch tiêu thoát lũ khu vực lòng chảo Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt được cho là giải pháp “cứu cánh” nhằm giảm thiểu và khắc phục tác hại mưa lũ, góp phần phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Với đặc thù địa hình vùng lòng chảo Điện Biên có dãy núi cao bao bọc xung quanh, ở giữa là cánh đồng Mường Thanh tương đối bằng phẳng. Địa hình có dạng lòng chảo nên nước mưa trên sườn đồi, nước sinh hoạt ở các khu dân cư và nước ở các khe suối đều đổ vào sông Nậm Rốm. Đây là sông chính duy nhất chảy qua khu vực lòng chảo Điện Biên, có vai trò là trục tiêu nước chính cho khu vực lòng chảo Điện Biên. Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng chặt phá rừng làm cho mưa lũ diễn biến thất thường, có xu hướng tăng về cường độ, thời gian tập trung lũ nhanh; tình trạng bồi lắng, xói lở trên sông làm biến đổi dòng chảy, gây lũ lụt ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của nhân dân.
Tính riêng trận mưa lũ cuối tháng 7/2015, trên địa bàn lòng chảo Điện Biên chủ yếu là TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, mưa lớn đã gây úng lụt khoảng 60 hộ(thuộc 6 tổ dân phố 6, 23, 24, 25, 26 và 29) của phường Mường Thanh, Tân Thanh, nhiều nơi ngập sâu 0,5-0,6m. Gây thiệt hại 15,5 ha lúa mùa cùng 14,2ha ao cá, làm hư hỏng trên 5km đường dân sinh tại các phường Thanh Trường, Thanh Minh, Noong Bua, Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Mưa lũ dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông tại Thanh Trường. Ước tổng giá trị thiệt hại trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ là 13,2 tỷ đồng; huyện Điện Biên thiệt hại 22,642 tỷ đồng.
Người dân phải đắp bao cát trước cửa để ngăn nước tràn vào nhà
Quy hoạch tiêu thoát lũ khu vực lòng chảo Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt tại Quyết định số 596/QĐ-UBND, ngày 28/4/2016, với mục tiêu đảm bảo ổn định dòng chảy, giảm thiểu và khắc phục tác hại lũ lụt để đảm bảo ổn định cuộc sống người dân, phát triển kinh tế – xã hội. Làm rõ tính đặc thù của lưu vực sông Nậm Rốm (trọng tâm vùng úng ngập lòng chảo Điện Biên) để phân tích nguyên nhân hình thành và diễn biến ngập lụt và úng ngập. Cùng với đó, đề xuất giải pháp tiêu úng thoát lũ vùng lòng chảo phục vụ phòng lũ và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái; Đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế cho địa bàn khu vực lòng chảo tỉnh Điện Biên, có xét cho các kịch bản biến đổi khí hậu.
Nhiệm vụ của Quy hoạch là xác định nguyên nhân gây ra ngập lụt, đề xuất giải pháp công trình và phi công trình nhằm giảm nhẹ và chống ngập lụt. Đưa ra các cảnh báo về vùng ngập lụt như: Diện tích ngập, phạm vi ngập, kế hoạch thông tin dự báo lũ cho người dân và di dân trong trường hợp khẩn cấp.
Dự toán kinh phí thực hiện Quy hoạch trên 2,8 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp theo kế hoạch hàng năm của tỉnh Điện Biên. Diện tích vùng thiết kế quy hoạch khoảng 7.000 ha. Phạm vi đo đạc của Quy hoạch là: Sông Nậm Rốm (từ đập thủy nông Nậm Rốm đến ngã 3 sông Nậm Rốm – Nậm Núa, chiều dài tuyến dự ước 29 km và từ ngã 3 sông Nậm Rốm đến Cảnh Ngói, chiều dài đo dự ước 6,6 km); Sông Nậm Núa (đoạn từ ngã 3 sông Nậm Rốm về thượng lưu, bình quân 500m một điểm đo; chiều dài đo dự ước 7 km); các tuyến suối cấp 2( phạm vi từ cửa ra sông Nậm Rốm đến phạm vi hết khu dân cư và cánh đồng; tổng chiều dài đo tuyến bên hữu 37,3 km; bên tả 32,2km).
Việc hoàn thành Quy hoạch tiêu thoát lũ sẽ góp phần quan trọng trong tiêu úng, thoát lũ vùng lòng chảo
Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, cho biết: Sở Nông nghiệp và PTNT được UBND tỉnh giao nhiệm vụ lập Quy hoạch tiêu thoát lũ khu vực lòng chảo Điện Biên. Sở đã tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn. Đến nay, đơn vị tư vấn đã lập xong hồ sơ dự án Quy hoạch. Ngày 4/4/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số 538/SNN-KHTC xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT; ý kiến của các Sở, ngành liên quan và UBND huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo đơn vị tư vấn chỉnh sửa, hoàn thiện; đồng thời để đảm bảo thời gian, Sở đã ban hành văn bản số 733/SNN-KHTC ngày 4/5/2018 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên thành lập Hội đồng thẩm định cấp tỉnh. Dự kiến thời gian hoàn thành Quy hoạch trong Quý II/2018.
Việc hoàn thành Quy hoạch tiêu thoát lũ cho vùng lòng chảo Điện Biên sẽ góp phần tạo giải pháp đồng bộ cho việc tiêu úng, thoát lũ vùng lòng chảo, phục vụ phòng lũ và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo dòng chảy ổn định, giảm thiểu và khắc phục tác hại lũ lụt, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân trong vùng lòng chảo Điện Biên. Cùng với đó, củng cố an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế cho địa bàn vùng lòng chảo tỉnh Điện Biên.
Hà Thuận <baotainguyenmoitruong.vn>