Thực trạng quản lý, khai thác công trình thủy lợi

Ngày đăng: 14/09/2023 100 lượt xem

Trong thời gian qua, công tác thủy lợi đã có những đóng góp quan trọng cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất (SX) nông nghiệp, dân sinh.

 Tuy nhiên, công tác này đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đối diện với nhiều khó khăn thách thức trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, của ngành NN-PTNT.
Cơ sở hạ tầng công trình thủy lợi
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đóng góp công sức, tiền bạc của nhân dân trong suốt nhiều thập kỷ qua, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực có hệ thống thủy lợi tương đổi hoàn chỉnh phục vụ tốt SX nông nghiệp.
Theo tổng hợp của Tổng cục Thủy lợi, cả nước hiện có 6.648 hồ chứa các loại, khoảng 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 234.000 km kênh mương, 25.958 km đê các loại. Trong đó, có 904 hệ thống thủy lợi quy mô vừa và lớn, phục vụ tưới tiêu từ 200 ha trở lên.
Công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tổ chức, cơ chế chính sách quản lý, khai thác CTTL
Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý, khai thác CTTL từng bước được củng cố và phát triển. Tính đến cuối năm 2012 cả nước có 102 đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác CTTL với 24.458 người.
Ngoài ra còn 16.238 tổ chức hợp tác dùng nước với hơn 81.800 người tham quản lý CTTL quy nhỏ, nội đồng. Cho đến nay, hầu hết các CTTL đều có đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ. Công tác quản lý, khai thác CTTL đang từng bước đi vào nề nếp, tuân thủ các quy định về quản lý, vận hành công trình, phục vụ tốt SX, dân sinh, KT-XH.
Một số tỉnh, TP đã chủ động đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả các CTTL như Tuyên Quang, An Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tiền Giang, Thanh Hóa…
Trong những năm qua, một số cơ chế chính sách về quản lý, khai thác CTTL đã được ban hành phục vụ công tác quản lý như Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10 về Khai thác & bảo vệ CTTL, Nghị định số 143/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác & bảo vệ CTTL; Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 về Quản lý an toàn đập và một số Thông tư trong công tác quản lý, khai thác & bảo vệ CTTL cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật phục vụ quản lý vận hành.
Kết quả quản lý, khai thác CTTL
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tổng diện tích đất trồng lúa được tưới của năm 2013 đạt trên 7,3 triệu ha.
Ngoài ra, các CTTL còn tưới cho 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp; tạo nguồn nước cho 1,3 triệu ha đất gieo trồng, cung cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, ngăn mặn 0,87 triệu ha, thau chua rửa phèn 1,6 triệu ha và tiêu nước cho trên 1,72 triệu ha đất nông nghiệp.
CTTL góp phần ngăn lũ, tiêu thoát nước, đặc biệt tiêu thoát nước cho các thành phố, khu đô thị bảo vệ cho hàng chục triệu dân cư, giảm được các tổn thất về người, tài sản và các hoạt động KT-XH.
Thuỷ lợi tạo điều kiện để đa dạng hoá cây trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu suất sử dụng đất, cải tạo đất, cải tạo môi trường, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về canh tác làm tăng giá trị SX.
Nhờ có thuỷ lợi đã tạo điều kiện phân bố lại nguồn nước tự nhiên, cải tạo đất, điều hoà dòng chảy, duy trì nguồn nước về mùa khô, giảm lũ về mùa mưa, thau chua, rửa mặn, lấy phù sa tăng độ phì nhiêu cho đồng ruộng, cải tạo môi trường sinh thái và môi trường sống của dân cư tạo nên những cảnh quan đẹp, biến nhiều vùng đất khô cằn trở thành những vùng đất trù phú như Dầu Tiếng (Tây Ninh), Sông Quao, Cà Giây (Bình Thuận)…
Những tồn tại, bất cập quản lý, khai thác CTTL
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích to lớn như đã đề cập ở trên, công tác quản lý, khai thác CTTL hiện vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập.
Thứ nhất là cơ chế chính sách đầu tư còn chưa hợp lý, chú trọng đầu tư xây dựng mới, đầu tư công trình đầu mối mà chưa quan tâm nhiều đến đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa, hoàn chỉnh hệ thống nên thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.
Nhiều hệ thống CTTL lớn được xây dựng xong công trình đầu mối, kênh chính nhưng còn thiếu công trình điều tiết nước, kênh mương nội đồng nên chưa khai thác hết năng lực theo thiết kế.
Thứ hai là hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác CTTL vẫn còn thấp. Đối với bộ máy quản lý Nhà nước về thuỷ lợi, phân giao nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành còn nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong điều hành chỉ đạo.
Một số địa phương vẫn còn có sự trùng lẫn giữa chức năng quản lý Nhà nước và quản lý SX, chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công ích của nhà nước.
Quản lý vẫn mang nặng tính quan liêu, mệnh lệnh, không phù hợp với cơ chế quản lý của nền kinh tế thị trường. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chưa bám sát thực tiễn và chưa được coi trọng, các thủ tục hành chính còn rườm rà.
Các tổ chức quản lý thuỷ nông cơ sở hình thành chủ yếu theo khuôn mẫu thống nhất nên chưa phản ánh hết tính đặc thù của nông thôn Việt Nam với các đặc trưng khác nhau về SX, văn hóa và lối sống ở từng vùng miền.
Chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân, tổ chức thủy nông cơ sở nên chưa làm tốt vai trò “cầu nối” giữa Nhà nước và nhân dân, giữa doanh nghiệp và người sử dụng nước, chưa khơi dậy được sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng và quản lý khai thác CTTL.
Thứ ba là bộ máy quản lý, khai thác CTTL, mặc dù số lượng đơn vị lớn nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Hầu hết các đơn vị quản lý khai thác CTTL đều là doanh nghiệp nhà nước vận hành theo cơ chế bao cấp đã hạn chế tính năng động và thiếu động lực phát triển.
Chất lượng nguồn nhân lực, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý ở nhiều tổ chức, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức quản trị SX thiếu khoa học nên chi phí SX cao, năng suất lao động thấp, bộ máy cồng kềnh, chi tiền lương chiếm phần lớn nguồn thu của doanh nghiệp.
Thứ tư là thể chế chính sách và phương thức quản lý, khai thác CTTL chậm đổi mới theo cơ chế thị trường. Cơ chế quản lý mang tính “nửa thị trường, nửa bao cấp”, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trong khi quản lý SX của doanh nghiệp theo cơ chế bao cấp không tạo ra động lực để thúc đẩy phát triển.
Quản lý SX bằng phương thức giao kế hoạch, theo cơ chế bao cấp dẫn đến tư tưởng dựa dẫm, trông chờ vào nhà nước. Quản lý tài chính theo hình thức cấp phát – thanh toán,chưa ràng buộc chặt chẽ với cơ chế kiểm tra giám sát, đánh giá và tính công khai minh bạch đã làm sai lệch bản chất hoạt động SX trong nền kinh tế thị trường.
Đánh giá kết quả hoạt động SX chưa dựa vào kết quả đầu ra, thanh quyết toán chủ yếu dựa vào chứng từ, nặng về thủ tục hành chính.
Cơ chế ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm của người đứng đầu với hiệu quả sử dụng tiền vốn, tài sản vật tư, lao động của nhà nước chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ gây ra lãng phí nguồn lực. Phân phối thu nhập cho người lao động vẫn mang tính cào bằng dẫn đến năng suất lao động thấp, chí phí SX cao.
Chính sách trợ cấp qua giá đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế, khó kiểm soát và kém hiệu quả, gây ra việc sử dụng nước lãng phí. Chính sách miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân theo hình thức gián tiếp không gắn kết được trách nhiệm doanh nghiệp với nông dân với vai trò là người hưởng lợi.
Phân cấp quản lý chưa phù hợp, nên hầu hết các CTTL đều do doanh nghiệp nhà nước quản lý đã không tạo được sân chơi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia nên chưa huy động được sức mạnh của các tổ chức cá nhân ở khu vực ngoài nhà nước và của nhân dân, đặc biệt là người hưởng lợi từ CTTL.
Nguồn: iwem.gov.vn