Phương pháp nào cho xử lý nước thải sông Tô Lịch

Ngày đăng: 20/11/2019 385 lượt xem

Nhiều độc giả VnExpress lo ngại việc “bơm nước sông Hồng ‘cứu’ sông Tô Lịch” sẽ không giải quyết được tận gốc ô nhiễm, thậm chí làm làm lan rộng phạm vi ảnh hưởng:

Phương án “pha loãng nước thải sông Tô Lịch” bản chất vẫn là xả thải xuống hạ lưu, gây ô nhiễm cho các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định. Cách duy nhất để khôi phục sông Tô lịch là phải xây hệ thống cống ngầm gom nước thải dọc hai bên sông, rồi phải có nhà máy xử lý nước thải trước khi đổ xuống hạ du. Chứ phương án bơm nước hồ Tây, mà không xử lý thì cũng giống như chúng ta quét rác nhà mình rồi đổ sang ngõ nhà hàng xóm.

Một vòng luẩn quẩn đánh bùn sang ao. Bao năm nay người dân các tỉnh hạ lưu sông Nhuệ, sông Đáy đã quá đủ rồi. Phải có giải pháp căn bản. Tập trung các nguồn nước thải vào các khu xử lý (làm nhiều khu theo vùng). Xử lý xong mới cho ra các sông.

Tại sao không làm một lần từ gốc tới ngọn, tốn một thể nhưng lợi ích lâu dài. Xây dựng hệ thống cống gom nước thải hai bên bờ và hệ thống nhà máy xử lý nước thải hạ lưu. Chứ kiểu xử lý tạm bợ rồi thải về hạ lưu gây ô nhiễm sông khác thì quá tội, phí tiền của chỉ được cái trước mắt.

Một nguồn nước ô nhiễm muốn làm trong thì có hai cách. Một là khử lượng chất gây ô nhiễm. Hai là đổ nước đi chỗ khác và thay thế nước khác vào. Ở phương án hai, nếu đẩy nước sông Hồng vào để sông Tô Lịch trong thì lượng nước đang ô nhiễm sẵn trên sông Tô Lịch sẽ được dịch chuyển đi đâu? Chẳng phải là nó vẫn sẽ thấm xuống đất hoặc lại ra sông Hồng và ra biển sao? Điều đó đâu khác gì việc quét rác sạch nhà mình nhưng lại hắt ra sân, hay hắt sang nhà hàng xóm. Chỉ có cách duy nhất là hốt rác tiêu hủy hoặc không xả rác nữa mà thôi. Nguồn gốc gây ô nhiễm từ đâu thì phải xử lý từ gốc. Đổ nước khác vào chỉ có thể được một lần đầu tiên giống như sau mỗi trận mưa lớn thì nước sông Tô Lịch có phần trong hơn. Nhưng nguồn gây ô nhiễm không giảm thì nước chỉ trong được 3 ngày là ô nhiễm lại. Mà nguồn gốc ở đây là ý thức người dân, hàng ngàn tấn rác trôi khắp sông khiến nước đen ngòm. Muốn sông khỏi ô nhiễm thì người dân không được vứt rác nữa. Vậy thì phạt thật nặng bất cứ ai xả rác ra môi trường như Đà Nẵng, Singapore vẫn làm. Cứ làm mạnh tay xem sông có trong hơn hay không?

Pha loãng cũng giải quyết được một phần vấn đề. Nhưng cơ bản lâu dài vẫn phải thu gom và xử lý theo khu vực. Dùng phương pháp pha loãng này trong thời gian đầu các huyện phía Nam (Thanh Trì, Thường Tín) và tỉnh Hà Nam sẽ lãnh đủ. Nói chung là các chỉ số ô nhiễm cục bộ sẽ giảm nhưng diện tích (lưu vực) ô nhiễm sẽ tăng.

Tuy nhiên, số khác lại cho rằng đây là phương án tối ưu và hoàn toàn khả thi trong tình hình hiện tại:

Đó là phương án tối ưu, nên làm. Khi có dòng nước chảy một chiều, lượng oxy hòa tan trong nước tăng lên, các sinh vật sinh sống tự nhiên trong nước phân hủy chất bẩn làm cho nước trong xanh hơn. Vài năm nữa trẻ em sẽ tắm trên dòng sông này, chiều chiều các cụ già đi tập dưỡng sinh, thanh niên quây quần bên những tán cây xum xuê đổ bóng xuống dòng sông.

Dòng sông không lưu thông là dòng sông chết. Nếu chỉ là nước sinh hoạt thì nước sông Hồng sẽ là giải pháp giảm sự ngưng đọng chất thải sinh ra khí độc và vi sinh vật yếm khí phát triển. Nhờ đó cũng giảm nhiều ô nhiễm. Nhiều người bàn tán hạ lưu ảnh hưởng. Thế hỏi ngược lại toàn bộ số nước thải ấy mưa to sẽ chảy đi đâu? Đừng để nó đọng lại, đừng để dòng sông chết thì sẽ giảm ô nhiễm. Tại sao ao sâu lại khó bị trở thành ao tù hơn ao nông? Vì sinh vật yếm khí bị hạn chế hơn.

Tại sao các bạn lại nói là giải pháp này chỉ là đẩy ô nhiễm đi các chỗ khác? Nước thải ô nhiễm là vì nó thiếu nước, yếm khí làm cho không phân hủy được chất bẩn. Khi có nước sạch đẩy nó ra sông, chất bẩn được hòa trong nước sông nhiều dưỡng khí nó sẽ tự phân hủy chất thải và đây chính là sự làm sạch môi trường. Trước hết các dòng sông phải chảy. Sau đó mới đến việc thu gom xử lý nước thải của thành phố vì việc đó cần diện tích đất và chi phí đầu tư rất lớn.

Hà Nội đang xây dựng trạm xử lý nước Yên Xá. Toàn bộ nước thải sẽ được thu gom vào tuyến cống ngầm hai bên sông Tô Lịch, không đổ xuống sông Tô Lịch nữa. Nước cấp vào hồ Tây sau đó một phần dẫn ra sông Tô Lịch để khôi phục dòng chảy. Không có chuyện đẩy nước bẩn xuống hạ lưu.

Tôi nghĩ đây là cách làm chấp nhận được trong tình hình hiện nay. Về cơ bản, ô nhiễm không được giải quyết, cũng không làm tăng thêm ô nhiễm, nhưng ngay lập tức, sông Tô Lịch và xung quanh dòng sông này sẽ trở nên dễ chịu hơn. Theo tôi, lưu lượng bơm vào chỉ cần công suất 1/10 như đề xuất là ổn, cũng không cần phải xử lý phù xa như đề xuất vì với lưu lượng ít thì lượng phù xa lắng đọng là không đáng kể. Chi phí tổng cho dự án không đáng bao nhiêu nhưng giải quyết được ngay vấn đề trước mắt. Có điều, mình nên tâm niệm trong đầu rằng mình đang thải ra một lượng ô nhiễm lớn cần phải giải quyết. Về lâu dài, cần tách biệt nước thải sinh hoạt và nước thải bề mặt (do mưa) và cần phải xử lý triệt để.

Vn Express