Nam Định loay hoay trong xử lý rác thải, nước thải

Ngày đăng: 08/09/2023 238 lượt xem

 


Xử lý rác thải là bài toán khó của tỉnh Nam Định

 

Loay hoay xử lý chất thải rắn

 

Theo UBND tỉnh Nam Định, quỹ đất dành cho việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp rất hạn chế. Đối với khu vực thành phố Nam Định, Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa đến nay đã hết quỹ đất dành cho chôn lấp, hiện đang sử dụng 3 hố chôn lấp dự phòng và dự kiến không lâu nữa sẽ đầy. Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra cho khu vực thành phố Nam Định là mở rộng khu xử lý hoặc áp dụng xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến.

 

Còn tại khu vực nông thôn, việc đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung gặp khó khăn về tìm vị trí phù hợp theo QCVN 07-9:2016/BXD của Bộ Xây dựng quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình quản lý chất thải rắn và nhà vệ sinh công cộng. Bởi theo quy định này, khoảng cách an toàn về môi trường của cơ sở xử lý chất thải rắn đến chân các công trình xây dựng khác ≥ 500m.

 

Trong khi đó, việc vận hành các bãi chôn lấp hợp vệ sinh không hiệu quả. Bãi chôn lấp nhanh đầy, rác thải không được xử lý triệt để, hệ thống xử lý nước rỉ rác bị hỏng, tắc nghẽn dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ và kiến nghị của nhân dân. Bên cạnh đó, chi phí xử lý rác thải sinh hoạt rất lớn, việc thu kinh phí từ các hộ dân, cơ quan, tổ chức chỉ đáp ứng được một phần cho phí thu gom rác thải.

 

Do tồn tại, bất cập của bãi chôn lấp rác thải nên dẫn đến xu hướng các địa phương chuyển sang đầu tư xây dựng, lắp đặt lò đốt chất thải rắn sinh hoạt để xử lý rác thải triệt để hơn. Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2016, các lò đốt lắp đặt chủ yếu vào thời điểm Bộ TN&MT chưa ban hành QCVN 61-MT:2015/BTNMT nên chưa được kiểm định kiểm duyệt, chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường. Mặt khác kinh phí sự nghiệp môi trường của các địa phương thấp, không đáp ứng cho việc cải tạo lò đốt theo quy định.

 

Đáng lưu ý, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chất thải rắn vùng, tỉnh Nam Định tại  Quyết định số 3053/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được do không nhận được sự đồng thuận của nhân dân khi xây dựng khu xử lý rác thải tại địa phương mình.

 

Môi trường vẫn “gánh” xả thải trực tiếp

 

Cùng với áp lực trong xử lý chất thải rắn, Nam Định còn gặp nhiều khó khăn trong xử lý nước thải.

 

Một số sông ở Nam Định bị ô nhiễm vì nước thải làng nghề

 

Ngay tại Thành phố Nam Định, lượng nước thải phát sinh từ hoạt động dân sinh khoảng 50.000 m3/ngày đêm được thu gom và thải ra sông Hồng qua trạm bơm Quán Chuột và ra sông Đào qua trạm bơm Kênh Gia đã làm ô nhiễm cục bộ chất lượng nước mặt tại khu vực tiếp nhận nước thải của 2 sông này.

 

Còn tại các khu công nghiệp (KCN), với 3 KCN đang hoạt động là Hòa Xá, Mỹ Trung và Bảo Minh thì chỉ có 2/3 KCN có trạm xử lý nước thải tập trung. KCN Mỹ Trung chưa có trạm xử lý nước thải tập trung do chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN đang tạm dừng hoạt động đợi chuyển giao chủ đầu tư mới; hệ thống thu gom nước mưa, nước thải chung của KCN chưa đầu tư hoàn thiện trước khi thải ra ngoài môi trường. Nước thải của các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN phải tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo cam kết trong hồ sơ pháp lý về môi trường đã được phê duyệt, xác nhận.

 

Tại các CCN, 19/20 CCN của tỉnh đã được phê duyệt hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường và đi vào hoạt động; trong đó, có 9/19 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có biện pháp xử lý nước thải tập trung trước khi thải ra ngoài môi trường, còn lại 11 CCN chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải do không bố trí được kinh phí đầu tư.

 

Chung tình trạng, tại các làng nghề, nhiều làng nghề chưa có hệ thống thu gom nước thải tách biệt với hệ thống thu gom nước mưa; chưa có biện pháp xử lý nước thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường. Môi trường đất, sông, hồ…vẫn là điểm tiếp nhận nguồn nước thải chưa qua xử lý này./.
 

Nguồn : Báo tài nguyên môi trường