Với hơn 62 làng nghề đang phát triển mạnh mẽ, trong đó có 31 làng nghề truyền thống thu hút hơn 76 nghìn lao động và đóng góp gần 8% GDP của tỉnh, Bắc Ninh ngày càng phát triển về kinh tế- xã hội, song cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm làng nghề đang ngày càng diễn biến trầm trọng.
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là tỉnh phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệptrong những năm gần đây…Bắc Ninh ngoài là địa phương tập trung các khu công nghiệp lớn, các công ty, xưởng chế xuất vừa và nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh, Bắc Ninh còn nổi tiếng với sự phát triển mạnh mẽ các làng nghề như: Đồ gỗ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái, giấy Yên Phong, thép Đa Hội, tranh dân gian Đông Hồ, bún bánh Khắc Niệm, tái chế Nhôm Văn Môn, gốm Phù Lãng….
Ngoài 6 tụ điểm được liệt kê trong danh sách ô nhiễm “có tiếng” hiện nay: Làng nghề tái sản xuất giấy Phong Khê (tp. Bắc Ninh), làng bún Khắc Niệm(xã Khắc Niệm, TP Bắc Ninh); Làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá (Yên Phong); Làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình); Làng nghề tái chế thép Đa Hội (thị xã Từ Sơn); Làng đúc đồng Quảng Bố (Lương Tài), nếu không quản lý tốt, tình trạng ô nhiễm có thể sẽ lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Bởi một quy luật ở đâu có làng nghề ở đó sẽ ô nhiễm.
Hiện nay, các cơ sở làng nghề ở Bắc Ninh chủ yếu sản xuất với quy mô nhỏ, không đủ điều kiện để xử lý triệt để nước thải, chất thải, khí thải… tại chỗ nên đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe người dân. Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Đại Bái (Gia Bình), trong vòng 3 năm từ 2001 – 2014, chỉ tính riêng xóm Trại, thôn Đại Bái đã có 23 người chết do các bệnh ung thư. Người chết có xu hướng trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi từ 45 đến 50.Tại hai làng bún bánh Khắc Niệm và rượu cồn Đại Lâm là những làng nghề có mức độ ô nhiễm cao nhất với 48/450 chỉ tiêu ô nhiễm vượt giới hạn cho phép. Số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng trong đó căn bệnh thường gặp là viêm đường hô hấp cấp, đường tiêu hóa, bệnh phổi.Tỷ lệ chết do ung thưđứng đầu cả nước suốt hai năm gần đây ở làng tái chế nhôm Văn Môn, nặng nề nhất là thôn Mẫn Xá, những cái chết thương tâm, như một lời cảnh tỉnh về mức độ ô nhiễm đáng báo động. Việc hiện trạng ô nhiễm tại các càng làng nghề này như thế nào, hậu quả mà con người đã phải hứng chịu ra sao thì có lẽ trong bài viết này không cần phải nhắc lại quá nhiều tất cả đều có mẫu số chungcho ta thấy sự kinh khủng của ô nhiễm làng nghề. Việc phát triển làng nghề là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu không quản lý cho tốt rất có thể chỉ trong một vài năm nữa Bắc Ninh sẽ vươn lên dẫn đầu về tình trạng ô nhiễm làng nghề. Đây thực sự là bài toán khó khiến các nhà quản lý lo “ngay ngáy”.
Theo đó, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ công khai và cập nhật thường xuyên danh sách, thông tin về thực trạng các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cơ bản kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; không phát sinh làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới. Tất cả các cơ sở sản xuất còn tồn tại trong các làng nghề chưa được công nhận có biện pháp xử lý chất thải theo quy định hoặc di dời vào Cụm công nghiệp làng nghề hoặc chấm dứt hoạt động. Phấn đấu đến năm 2030, các làng nghề trên địa bàn tỉnh được công nhận, thống nhất quản lý và tuân thủ đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường nhằm triền khai theo Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề trở lại giá trị truyền thống, phát huy vai trò cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn, không để lại hậu quả khôn lường cho môi trường và sức khỏe con người.
Tuy nhiên, đó chỉ là kế hoạch được vạch ra còn thực hiện được bao nhiêu, đến đâu còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của toàn tỉnh trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và thực thi… nếu không muốn trong 1 vài năm nữa Bắc Ninh sẽ “dẫn đầu về tình trạng ô nhiễm làng nghề”.
Nguồn tin: moitruongvn.org