Sự “chết yểu” của nhiều dự án xử lý điện rác tịa Việt Nam

Ngày đăng: 20/09/2023 401 lượt xem

Tiến sĩ Mai Huy Tân – Chủ tịch, Giám Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (VIDEBRIDGE) thông tin, Việt Nam có 9 dự án điện rác công nghệ Trung Quốc thì trong số đó hiếm hoi chỉ 1 dự án thành công.

Việt Nam chưa có nhà máy điện rác nào công nghệ mẫu mực

Chiều 29/5, tại Đà Nẵng, tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi Tọa đàm chủ đề: “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam”.
Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt; trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên, do tỷ lệ chôn lấp cao gây nhiều vấn đề xã hội bức xúc cũng như tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) chia sẻ ý kiến tại tọa đàm.
Đốt rác phát điện đang là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như: Nhật Bản, EU… bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa cung cấp năng lượng cho xã hội.
Tại Việt Nam, Chính phủ, Bộ TN&MT khuyến khích các địa phương đủ điều kiện chuyển sang đốt rác phát điện. Thực tế có nhiều dự án điện rác ở khắp các địa bàn tỉnh thành nhưng phần lớn không mang lại hiệu quả.
“Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án điện rác tại Việt Nam chưa phát triển và chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Các cơ chế, chính sách cần phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp”, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Mới đây, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về các vấn đề phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường cũng đã có nhiều nội dung nhấn mạnh đến giải quyết ô nhiễm rác thải bằng các công nghệ hiện đại và phù hợp với Việt Nam.
“Trong tương lai cần nhắm tới chủ đề các công nghệ xử lý rác thải. Trong đó, sẽ tổng kết một cách khái quát thực trạng hiện nay, đánh giá các công nghệ đã và đang được áp dụng tại Việt Nam, phân tích nguyên nhân vì sao ô nhiễm rác thải chưa được giải quyết một cách cơ bản và lâu dài. Từ đó, đề xuất định hướng và các giải pháp công nghệ phù hợp”, ông Hiền nói.
Xử lý rác thải tại Việt Nam
Tiến sĩ Mai Huy Tân
Tiến sĩ Mai Huy Tân – Chủ tịch, Giám Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức chia sẻ, ông đã đi tham quan, tìm hiểu các nhà máy đốt rác trên khắp cả nước và đưa ra nhận xét: “Ở Việt Nam có nhiều dự án đốt rác nhưng chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào xứng đáng để coi là công nghệ mẫu mực, có thể mở rộng được”.
Cũng theo Tiến sĩ Mai Huy Tân, tại Việt Nam hiện nay có 9 dự án của Trung Quốc đang xử lý rác thải với hình thức liên doanh và Trung Quốc chiếm 95% vốn, trong khi đó Việt Nam chỉ có 5% vốn. Nhưng chỉ có duy nhất một dự án ở Cần Thơ phát điện vào năm 2018 là dự án thành công hiếm hoi duy nhất ở Việt Nam.
“Những dự án này được cấp giấy phép đầu tư bởi Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng (đang xem xét) và Cần Thơ. Duy nhất dự án điện rác của công ty Everbright (Trung Quốc) tại Cần Thơ thành công, đã chạy được 18 tháng”, Tiến sĩ Tân thông tin.
Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ.

Công nghệ tân tiến nhưng phải hợp túi tiền

Đó là bài toán thực tế nan giải ở TP Đà Nẵng. Theo Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng, Đà Nẵng đang hướng đến thành phố môi trường, xác lập đô thị sinh thái thì công nghệ xử lý rác đạt được những tiêu chí là điều hết sức mong muốn. Nhưng đối diện trong câu chuyện lựa chọn công nghệ nào lại là vấn đề chi phí.
“Chi phí hiện nay Đà Nẵng trả cho việc chôn lấp 1 tấn rác là 42.000 đồng. Trong khi đó, tất cả những công nghệ mà các nhà đầu tư giới thiệu không có công nghệ nào dưới 20 USD/tấn rác. Như vậy, câu chuyện nguồn vốn là một bài toán nan giản để hướng đến mục tiêu mà các nhà giáo sư, nhà nghiên cứu đưa ra”, ông Hùng chia sẻ.
Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng.
Vấn đề khác, theo ông Hùng, là năng lực, kinh nghiệm của những nhà đầu tư có tiếp cận được công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay hay không. Đà Nẵng vừa tổ chức bước đầu tiên để lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác với quy mô 1.000 tấn/ngày. Có 26 nhà đầu tư quan tâm cùng 26 bộ hồ sơ về công nghệ xử lý rác gửi đến Đà Nẵng. Qua xét tuyển, Đà Nẵng chưa tìm được nhà đầu tư nào đáp ứng năng lực.
Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương cho Công ty CP Môi trường Việt Nam nâng cấp công nghệ tiếp tục triển khai Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn với quy mô 650 tấn rác/ngày. Trước đó, công ty này đã thất bại ở giai đoạn 1 với quy mô 200 tấn/ngày, đẩy Đà Nẵng đối diện nhiều thách thức về rác thải. Và theo ông Hùng, quy trình thủ tục tiếp cận dự án đốt phát điện hiện nay hết sức khó khăn. “Riêng để có quy hoạch đưa vào đấu nối điện lưới quốc gia phải lấy ý kiến của 7-8 cơ quan, mất đến 4 tháng, ông Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Linh Ngọc – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội nước sạch Việt Nam, đồng quan điểm khi cho rằng: Công nghệ tiên tiến là rất tốt nhưng thực chất chi phí đầu tư rất lớn, nhà đầu tư cần tập trung vào vấn đề kinh phí trước khi lựa chọn công nghệ. Bên cạnh đó, cần giảm bớt chi phí, giảm bớt thủ tục để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào công nghệ.
Ông Nguyễn Linh Ngọc – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội nước sạch Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.
Thực trạng chung, các chuyên gia cho rằng nhiều dự án điện rác tại Việt Nam “chết yểu” do chi phí cao. Cụ thể, công nghệ HTC, biocarbon có thể sử dụng làm nhiên liệu sạch để đốt nhưng chi phí cao không dùng để sản xuất điện năng. Hay công nghệ thiết bị TF, cũng đòi hỏi rác thải được phân loại từ nguồn và chỉ xử lý rác thải hữu cơ để làm thành phân compost…
“Có một điều rất lạ, ở thế giới chuẩn bị ra một chiếc ô tô đời mới thì khoảng vài tháng sau Việt Nam có ngay. Nhưng không hiểu tại sao hiện nay Việt Nam chúng ta cứ loay hoay chọn công nghệ nào để xử lý rác? Đây là vấn đề nhức nhối, không riêng gì Đà Nẵng”, ông Tô Văn Hùng nêu vấn đề.
Nguồn: Kinh tế môi trường