Hải Phòng : Xử lý rác thải bảo vệ môi trường

Ngày đăng: 20/09/2023 320 lượt xem

Qua đó, bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước. TP Hải Phòng khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải.

Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tăng cường phối hợp, triển khai thực hiện quản lý tổng hợp chất thải rắn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch bảo vệ môi trường của thành phố. Cụ thể hóa các nội dung để thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện phát triển KITXH của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn.

Theo thống kê, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị thu gom tại 7 quận tại TP Hải Phòng khoảng 1.100 tấn/ngày (97,5%), tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị thu gom được xử lý hợp vệ sinh đạt 100%. Công nghệ xử lý chất thải rắn chủ yếu theo phương thức chôn lấp hợp vệ sinh tại 2 khu xử lý Tràng Cát và Đình Vũ. Tại khu xử lý rác Đình Vũ, ngoài chôn lấp, thử nghiệm mô hình xử lý rác Fukuoka của Nhật Bản. Tuy nhiên, do điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, mô hình này mới ở mức thử nghiệm. Đối với chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của 8 huyện tại TP Hải Phòng khoảng 220.776 tấn/năm; tỷ lệ thu gom, xử lý khoảng 87,2%. Chất thải rắn công nghiệp thông thường, năm 2016 loại chất thải này phát sinh hơn 2,5 triệu tấn; năm 2017 gần 2,5 triệu tấn, loại chất thải này được các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phân loại, lưu giữ tại cơ sở về cơ bản đúng quy định. Loại chất thải rắn nguy hại cơ bản được các chủ nguồn thải phân loại, lưu giữ theo Thông tư hướng dẫn số 36 của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thu gom triệt để, lưu giữ tạm thời chất thải nguy ngại chưa đúng quy định. Hiện, tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 789,91 kg/ngày.

Trước thực trạng trên, TP Hải Phòng triển khai các giải pháp quản lý tổng hợp chất thải rắn phù hợp với định hướng phát triển KTXH, quy hoạch bảo vệ môi trường thành phố. Trong đó, kế hoạch đề ra 8 giải pháp trọng tâm để thực hiện. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý chất thải rắn, thực hiện điều chỉnh thu phí vệ sinh trên địa bàn nông thôn, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực đô thị, dịch vụ xử lý chất thải rắn xây dựng… đảm bảo phù hợp sát với thực tế. Nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến về tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải rắn, đặc biệt ưu tiên phát triển công nghệ thu hồi năng lượng, phát điện từ xử lý chất thải rắn. Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải rắn cấp địa phương, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở các trường học, cộng đồng dân cư, cơ quan. Trao đổi và hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về đào tạo nâng cao năng lực, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn…

Đến năm 2025, TP Hải Phòng phấn đấu 100% lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đồng thời, 100% các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định pháp luật. Ngoài ra, 97% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt  phát sinh được thu gom xử lý hợp vệ sinh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng. Bên cạnh đó, giảm 50% khối lượng nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; 90 – 95% các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại các đô thị đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.