Vụ ô nhiễm nước sông Đà: Xử lý ra sao?

Ngày đăng: 20/09/2020 320 lượt xem

Phía đại diện Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà đã cung cấp cho phóng viên biên bản làm việc  giữa đại diện đơn vị với Đoàn kiểm tra của Cục Cảnh sát Môi trường – Bộ Công an, đại diện Công an tỉnh Phú Thọ… về việc chấp hành các quy định của pháp luật vệ bảo vệ môi trường.

Tại biên bản kiểm tra nêu rõ, đối với quá trình chuyển giao chất thải nguy hại của công ty, qua làm việc xác định, khoảng tháng 9/2019, ông Vũ (SN 1982, trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Huyền Trang (trợ lý Giám đốc) đề xuất việc tiếp nhận, xử lý tái chế số dầu thải đang lưu giữ tại công ty CP gốm sứ Thanh Hà và được bà Trang đồng ý.

Theo thỏa thuận miệng, bà Trang phải trả cho Vũ chi phí vận chuyển, thu gom và xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít.

Đến ngày 7/10, Vũ gọi điện cho bà Trang để lấy dầu nhưng bà Trang đi vắng. Bà Trang giao lại cho Trần Thành Trung (nhân viên phòng vật tư) để ông này chuyển giao dầu thải cho Vũ.

8 giờ sáng cùng ngày, Nguyễn Chương Đại điều khiển xe tải cùng với Hoàng Văn Thám tới công ty CP gốm sứ Thanh Hà để lấy dầu cho Vũ.

Ông Trung đã gặp và trao đổi với hai đối tượng trên, đồng thời giao cho một nhân viên hỗ trợ việc hút dầu thải từ các téc dầu loại 1m3 và loại 120 lít.

Quá trình hút dầu, xe ô tô mang BKS 99C-08783 có sẵn các thùng chứa loại 1m3, Đại và Thám sử dụng bom có sẵn trên xe để hút dầu thải từ 4 téc và các thùng dầu còn lại.

Khoảng 13 giờ, việc hút dầu hoàn tất. Xe đi qua trạm cân của công ty với trọng lượng là 15.540kg, trong đó, lượng dầu thải là gần 8.830 kg.

Công ty gốm sứ Thanh Hà.

Biên bản nêu rõ, việc giao dịch giữa bà Trang và ông Vũ về phần tài chính là bà Trang phải trả cho ông Vũ 1.000 đồng/lít dầu thải. Đến nay, bà Trang chưa thực hiện và không liên lạc được với ông Vũ.

Kết luận buổi kiểm tra, theo biên bản, đoàn công tác đã chỉ ra một số vi phạm của công ty CP gốm sứ Thanh Hà, trong đó có việc chuyển giao chất thải nguy hại (dầu thải) cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

Cụ thể, công ty đã chuyển gần 8.830 kg dầu thải cho hai đối tượng Đại và Thám để mang đi xử lý. Tuy nhiên, công ty không ký hợp đồng, không thu thập hồ sơ về tư cách pháp nhân, chức năng xử lý chất thải nguy hại của các đối tượng trên.

Đại diện công ty, trong biên bản, ông Trần Trung Thành (Phó Giám đốc) thừa nhận các vi phạm nêu trên. Công ty cam kết sẽ thực hiện tốt pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện đúng, đầy đủ nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết đã được phê duyệt.

Công ty cũng cam kết sẽ cung cấp các chứng từ chất thải nguy hại, các báo cáo quản lý chất thải nguy hại trong thời gian từ năm 2014 đến nay theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Cơ quan công an sẽ làm rõ mối liên hệ giữa bà Trang và ông Vũ

Liên quan đến nội dung trong biên bản cho rằng, Vũ liên hệ qua điện thoại với bà Nguyễn Huyền Trang đề xuất việc tiếp nhận, xử lý tái chế số dầu thải đang lưu giữ tại công ty CP gốm sứ Thanh Hà và được bà Trang đồng ý; đồng thời, theo thỏa thuận miệng bà Trang phải trả cho Vũ chi phí vận chuyển, thu gom và xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít…, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà (CTH) cho biết, đây là các nội dung đang được cơ quan công an làm rõ.

“Nội dung này để cơ quan công an làm việc còn tôi không làm rõ được, bởi bố làm rõ con có giá trị gì”, ông Truyền nói.
Về chức danh của bà Nguyễn Huyền Trang (con gái ông) trong biên bản ghi là trợ lý Giám đốc thay vì nhân viên phòng kinh doanh như ông cung cấp trước đó, ông Truyền cho rằng, đó chỉ là việc ghi trong biên bản.

“Con gái tôi làm ở phòng kinh doanh. Tôi là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc nhưng không có trợ lý, đến việc khách đến pha nước, rót nước, tôi vẫn tự làm”, ông Truyền nói thêm.

Vị Chủ tịch Công ty này đã thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến việc chuyển giao dầu thải sai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

“Tôi không ủng hộ hành vi xả thải của các đối tượng và phản đối việc phá hoại môi trường dưới bất cứ hình thức nào.

Bản thân tôi nhận trách nhiệm về việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến xảy ra hậu quả nghiêm trọng, bởi dầu từ đây ra. Tôi vẫn ví nếu không có thuốc súng, bom ở đây ra thì sao nổ được, nhưng tôi không mang bom đi nổ.

Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ, sau này kết quả như thế nào tôi sẽ chấp hành trách nhiệm của mình đến đó và bản thân không thoái thác nhiệm vụ”, ông Truyền nêu.

Vị Chủ tịch Công ty gốm sứ Thanh Hà cho rằng, việc không có lệnh của ông nhưng vẫn tiến hành chuyển dầu thải cho các đối tượng trên là hành vi “ăn cắp”. Tới đây, đơn vị sẽ xem xét cụ thể và ai làm sai sẽ bị xử lý theo đúng quy định.

Trước đó, Lý Đình Vũ khai được 1 người phụ nữ tên là Trang ở Phú Thọ thuê đổ chất thải. Sau khi thoả thuận, Lý Đình Vũ quay về Bắc Ninh thuê Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám đi lấy chất thải để đổ.

Ngày 6/10, Đại và Thám lái xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-08783 đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà lấy chất thải (bơm vào 10 thùng chứa khoảng 10m3), sau đó di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90, địa chỉ tại xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên gửi xe.

Đến ngày 8/10, Đại và Thám lái xe tải trên đi đổ thải ở Hoà Bình, tuy nhiên, do trên đường bị hỏng xe nên Đại gọi điện cho Vũ đến. Chính vì vậy, Vũ đã lái xe ô tô BKS 89A-13766 đến nơi xe hỏng.

Sau đó, 3 đối tượng mang xe tải đi sửa rồi chở đến khu vực vắng người ở xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tiến hành xả chất thải, sau đó bỏ trốn.

Internet