Đề xuất dẫn nước sông Hồng giải quyết tình trạn ô nhiễm hồ Tây

Ngày đăng: 20/09/2023 389 lượt xem

Tại buổi tọa đàm “Đề xuất giải pháp bổ cập nước hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững” do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Thoát nước Hà Nội) tổ chức, đơn vị này đã đề xuất bổ sung nước từ sông Hồng để cải thiện môi trường nước hồ Tây.

 

Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng đây là phương án khả thi nhất. “Giải pháp bổ cập nước hồ sẽ làm hồ Tây trở thành hồ nước lưu thông, luôn duy trì được mực nước ổn định cao, cải thiện chất lượng nước, tạo cảnh quan môi trường và khai thác du lịch mặt nước”, Công ty Thoát nước đề xuất.

Lý giải cho đề xuất, Công ty thoát nước cho rằng bản chất hồ Tây là một đoạn của sông Hồng xưa, do quá trình ngưng đọng sau khi sông đổi dòng chảy mà thành. Kết quả quan trắc chất lượng nước sông Hồng lấy tại vị trị dự kiến dẫn nước về hồ Tây tháng 10 đến tháng 12.2018 cho thấy, nước sông Hồng đạt tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt.

Đồng tình với ý kiến của Công ty Thoát nước Hà Nội, PGS Trần Đức Hạ – Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường đồng ý với đề xuất lấy nước sông Hồng cung cấp và làm sạch Hồ Tây.

Tuy nhiên, ông Hạ nhấn mạnh, quy trình đưa nước sông Hồng vào hồ Tây được ông Hạ đề nghị cần phải tính toán kỹ việc xử lý nước vì đây là hồ cảnh quan, khu vui chơi giải trí của người dân.

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, để bổ sung nước sông Hồng cho hồ Tây, Công ty sẽ đầu tư xây dựng trạm bơm đặt ở sát mép sông, làm tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua ngõ 464 Âu Cơ, qua đê, đi theo đường Lạc Long Quân, vào ngõ 612 Lạc Long Quân và đi vào lòng mương tiêu cạnh công viên nước hồ Tây.

Ngoài ra, công ty sẽ tận dụng tuyến mương tiêu để làm bể lắng cát thô và xây dựng bể lắng cát tinh trong hồ cạnh công viên nước trước khi đưa nước vào hồ. Song, Công ty Thoát nước Hà Nội không đưa ra lộ trình thực hiện giải pháp trên cũng như kinh phí thực hiện.

Ông Võ Tiến Hùng – Chủ tịch Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, Hồ Tây đang đối mặt với vấn đề cạn kiệt mực nước do sự bốc hơi và thẩm thấu ngầm. Hiện nay, mưa là nguồn bổ cập nước tự nhiên duy nhất vào hồ.

Vào mùa khô, lượng nước mưa ít trong khi lượng nước bốc hơi và thẩm thấu ngầm cao, đồng thời hiện tượng biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài dẫn đến việc mất cân bằng, gây nguy cơ cạn kiệt mực nước trong hồ.

Ngoài ra, môi trường nước hồ Tây đang bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng. “Hồ Tây có thể biến thành hồ chết, nếu vấn đề ô nhiễm không được cải thiện và nếu mực nước hồ tiếp tục giảm, hệ sinh thái trong hồ sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hùng nói và cho rằng việc bổ cập nước cho hồ là hết sức cần thiết.

 

 

Tuy nhiên, ý tưởng trên của Công ty Thoát nước không mới. Năm 2001, TP.Hà Nội đã lên kế hoạch thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng nước hồ Tây” với chi phí dự kiến 32 triệu USD, trong đó có hạng mục thay nước hồ Tây bằng nước sông Hồng.

Tại thời điểm đó, các nhà khoa học cho rằng chất lượng nước hồ Tây tương đối sạch, việc chi hàng triệu USD để cải tạo chất lượng nước quá tốn kém. Việc thay nước hồ sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ… Trước phản ứng phản ứng dữ dội của các nhà khoa học và dư luận, việc thay nước đã không được thực hiện.

Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía tây bắc trung tâm TP.Hà Nội. Hồ có diện tích hơn 500 ha với chu vi hơn 17km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng.

Trong tháng 10, 11, 12.2018, Công ty Thoát nước Hà Nội đã lấy mẫu nước hồ Tây (tại khu vực phố Nhật Chiêu) để phân tích. Kết quả cho thấy nước hồ đang trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ, các chỉ số COD, BOD5 đều vượt quy chuẩn Việt Nam. Chỉ tiêu về hàm lượng amoni cũng vượt quy chuẩn cho phép. Hàm lượng tảo (Chlorophylla) cao và có xu hướng tăng lên. Từ kết quả quan trắc, Công ty Thoát nước cho rằng môi trường nước hồ Tây đang bị ô nhiễm, mực nước cạn kiệt theo thời gian và hồ có thể biến thành hồ chết nếu vấn đề ô nhiễm không được cải thiện.

    Nguồn: tinmoitruong