Để tư nhân đầu tư vào xử lý nước thải

Ngày đăng: 20/09/2023 355 lượt xem

Cần có cơ chế ưu đãi để thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Ảnh: Trung Chánh

Đánh giá chung của các đại biểu tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý thoát nước và xử lý nước thải” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ vào hôm 15-6 cho thấy vốn đầu tư vào lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải ở các địa phương thời gian qua còn rất nhiều hạn chế.

Dẫn chứng cho điều này, bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ thừa nhận, ngoài dự án xử lý nước thải tập trung công suất 30.000 m3/ngày đêm đang triển khai dưới sự tài trợ vốn của Ngân hàng tái thiết Đức, thì nhiều dự án xử lý nước thải tập trung và phi tập trung khác trên địa bàn thành phố vẫn chưa thu xếp được vốn đầu tư.

Cụ thể, các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại quận Bình Thủy, Thốt Nốt, Ô Môn và Cái Răng đến nay vẫn chưa tìm được nguồn vốn lẫn nhà đầu tư. Trong khi đó, dự án xây dựng các trạm xử lý nước thải phi tập trung tại các điểm dân cư tập trung và làng nghề trên địa bàn thành phố cũng rơi vào tình cảnh tương tự, tức chưa có nguồn vốn lẫn nhà đầu tư.

Ông Dương Vũ Linh, Trưởng phòng hạ tầng và phát triển đô thị thuộc Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh cũng cho biết ngoài dự án xử lý nước thải 18.000 m3/ngày đêm do GIZ tài trợ, việc đầu tư vào các dự án quản lý, xử lý nước thải tập trung và phi tập trung khác trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể triển khai do thiếu vốn.

Trong khi đó, theo vị đại diện đến từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, đối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở các đô thị, thì hầu hết trên địa bàn tỉnh chưa đầu tư hệ thống này do nguồn vốn phục vụ cho đầu tư, xây dựng hệ thống thoát nước các đô thị khá hạn hẹp.

Ông Nguyễn Công Thành, Cố vấn kỹ thuật của GIZ nói rằng trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách (kể cả Trung Ương và địa phương) cho lĩnh vực này đang có sự thay đổi, thì kêu gọi tư nhân đầu tư vào là một giải pháp khả thi. Các địa phương có thể nói định hướng là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Nhưng, nếu không có những quyết định cụ thể của UBND các tỉnh, thành phố, thì rất khó thu hút được tư nhân tham gia vào.

Ông Thành nhấn mạnh cần có những quyết định cụ thể bằng văn bản về khuyến khích tư nhân tham gia vào lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải cùng những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, về đất, bù giá về vốn đầu tư cho các dự án. Nếu không có chính sách, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách đang thay đổi, thì câu chuyện không có vốn, không có nhà đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung và phi tập trung như trường hợp của thành phố Cần Thơ sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Theo ông Thành, muốn đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 30-50% lượng nước thải ở các làng nghề được thu gom, xử lý đạt chuẩn như mong muốn của tỉnh An Giang (hiện nay chưa có hệ thống này), thì không thể không có chính sách ưu đãi để thu hút tư nhân. Khi có chính sách ưu đãi thì các nhà đầu tư sẽ tự đến liên hệ và xin đầu tư.