Nhà máy Fukushima nước thải hạt nhân có thể đổ ra Thái Bình Dương

Ngày đăng: 17/10/2018 109 lượt xem
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), Nhật Bản, đơn vị chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, cho biết họ sẽ đổ 770.000 m3 nước nhiễm chất phóng xạ triti xuống Thái Bình Dương trong nỗ lực dọn dẹp sau thảm hoạ sóng thần năm 2011, Epoch Times hôm 3/8 đưa tin. Thông báo này làm dấy lên nhiều tranh cãi, nhưng các cơ sở hạt nhân ít được biết đến hơn trên thế giới cũng từng thải triti vào đại dương và môi trường.
“Triti được thải ra biển sau khi pha loãng. Điều này không chỉ xảy ra ở các nhà máy điện hạt nhân mà còn ở các nhà máy tái chế trên toàn thế giới”, Tadahiro Katsuta, kỹ sư hạt nhân tại Đại học Meiji, Nhật Bản, cho biết. Việc loại bỏ triti khỏi nước thải nhà máy hạt nhân rất khó thực hiện. triti là một đồng vị phóng xạ của hydro nên có thể liên kết với oxy để tạo ra nước siêu nặng (nước triti). Do triti là một phần của nước nên không dễ bị loại bỏ như các chất gây ô nhiễm khác.
    Theo Katsuta, giải pháp thay thế cho việc đổ nước triti vào trong đại dương bao gồm lưu trữ dưới lòng đất hoặc làm bay hơi vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, các phương án này chưa được nghiên cứu toàn diện, có chi phí quá lớn và không khả thi nếu lượng nước triti cần xử lý quá nhiều. Do rất khó loại bỏ triti, hầu hết các nhà máy hạt nhân trên thế giới giải phóng nước triti vào môi trường. Họ xả thải có kiểm soát, cho phép triti khuếch tán dần trong môi trường với nồng độ được coi là an toàn.
    Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) quy định hàm lượng tối đa của triti trong nước là 20.000 picoCuries/lít (pCi/lít). Đây là lượng bức xạ mà con người có thể tiếp xúc thông qua nước uống trong một năm, tương đương với lượng bức xạ của một chuyến bay kéo dài 3 – 4 giờ. Theo Ủy ban Điều hành Hạt nhân Mỹ, một người uống nước chứa hàm lượng triti gấp ba lần con số trên có nguy cơ bị ung thư là 0,00008%.
    Triti được xem là chất phóng xạ tương đối vô hại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định hàm lượng tối đa của triti cao hơn so với khuyến cáo của EPA khoảng 13 lần. Trên thực tế, cơ thể chúng ta thường xuyên tiếp xúc với bức xạ, phần lớn là do các nguồn tự nhiên như bức xạ vũ trụ từ Mặt Trời và các ngôi sao.
    Tháng 7/2017, các cư dân địa phương và nhiều người tỏ ra lo lắng sau khi Công ty Điện lực Tokyo thông báo đổ nước triti vào đại dương. Shinichi Nakakuki, phát ngôn viên của TEPCO, cho biết hành động này sẽ không có tác động đến hệ sinh thái biển. Công ty sẽ tiếp tục đối thoại với chính phủ và các bên liên quan trước khi quyết định giải pháp cuối cùng.

Nguồn tin: moitruongvn