Khó khăn thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở Tây Sơn

Ngày đăng: 20/09/2023 85 lượt xem

Thời gian qua, dù UBND huyện Tây Sơn, các ban ngành liên quan và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có nhiều cố gắng trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Nhân viên Ban quản lý cấp và thoát nước huyện Tây Sơn thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Phú Phong.

Áp lực xử lý rác thải

Theo thống kê của UBND huyện Tây Sơn, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn huyện phát sinh lượng rác thải sinh hoạt với khối lượng hơn 50 tấn; tập trung chủ yếu tại thị trấn Phú Phong, xã Tây Giang, xã Bình Nghi. Đến cuối tháng 5.2018, trên địa bàn huyện có 8 xã, thị trấn đã triển khai dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, gồm: thị trấn Phú Phong và các xã: Bình Nghi, Tây Xuân, Tây Phú, Bình Thành, Bình Tường, Tây Vinh, Tây An. Tổng khối lượng rác thu gom tại các địa phương khoảng 42 tấn/ngày; lượng rác này được tập kết về Bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung huyện Tây Sơn xử lý theo đúng quy định.

Ngoài ra, tại các xã Tây Thuận, Tây Giang, Bình Hòa, Tây Bình cũng đã triển khai đội thu gom rác thải; lượng rác thải tại các địa phương này (trung bình từ 1 – 2 tấn/ngày/xã) sau khi thu gom được tập kết và xử lý bằng cách chôn lấp tại bãi rác tạm của mỗi xã. Riêng 3 xã Bình Thuận, Bình Tân, Vĩnh An chưa có dịch vụ thu gom rác thải; các địa phương chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân tự chôn lấp hoặc đốt rác thải tại vườn nhà.

Dù chính quyền các địa phương và các ban, ngành liên quan của huyện Tây Sơn có nhiều cố gắng trong việc thu gom rác thải; nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Tình trạng người dân vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi ra môi trường như khu vực ven đường giao thông, các khoảnh đất trống, khu vực cầu, mương nước… thường xuyên xảy ra tại nhiều địa phương. Đặc biệt, tại các xã chưa có dịch vụ thu gom rác thải, nạn vứt rác thải ra các khu vực công cộng khá phổ biến; các bãi rác tự phát ven đường với đủ loại rác thải bốc mùi hôi thối ngày một nhiều thêm.

Theo UBND xã Bình Tân, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác thải bừa bãi ra môi trường. Tuy nhiên, do địa phương chưa có dịch vụ thu gom rác thải nên tình trạng một số người dân thiếu ý thức, lén lút vứt rác thải ra ven đường giao thông, mương nước, đồng ruộng, các khu đất trống… còn xảy ra. Thực trạng này khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Tình trạng vứt rác thải bừa bãi ra môi trường còn diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương của huyện Tây Sơn.

– Trong ảnh: Bãi rác tự phát ven QL 19 – đoạn qua địa phận xã Tây Xuân.

Kiến nghị đầu tư lò đốt rác

Ông Đỗ Thanh Xuân, Trưởng Ban quản lý cấp và thoát nước huyện Tây Sơn – đơn vị được UBND huyện Tây Sơn giao quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn huyện – cho biết: Hiện Ban quản lý cấp và thoát nước có 2 xe chuyên dụng (1 xe 9 khối, 1 xe 6 khối) thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác. Do hạn chế về phương tiện nên Ban chỉ tập trung thu gom rác thải trên địa bàn thị trấn Phú Phong với tổng khối lượng rác mỗi ngày khoảng 32 tấn. Các địa phương còn lại, đội vệ sinh môi trường tại mỗi xã thu gom, tập kết rác rồi sau đó xe rác chở về Bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung huyện Tây Sơn xử lý. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển rất tốn kém, nhất là các địa phương ở xa bãi chôn lấp.

“Ngoài hạn chế về phương tiện và kinh phí, một khó khăn nữa trong việc thu gom rác thải là công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia dịch vụ còn nhiều hạn chế. Nhiều người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nên không tham gia dịch vụ; lén lút vứt rác ra môi trường vào đêm khuya. Đây là những nguyên nhân khiến các bãi rác tự phát còn xuất hiện tại nhiều địa phương”, ông Xuân cho biết thêm.

Theo ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, để công tác thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện được đảm bảo và hiệu quả, UBND huyện Tây Sơn đã kiến nghị UBND tỉnh và ngành chức năng liên quan xem xét, đầu tư 2 lò đốt rác thải quy mô cấp xã với tổng kinh phí dự kiến 6 tỉ đồng. Trong đó, lò đốt thứ nhất xây dựng tại xã Bình Tân có diện tích hơn 5.000m2; thực hiện thu gom, xử lý rác tại khu vực xã Bình Tân, Bình Thuận, Bình Hòa với tổng khối lượng rác thải phát sinh hơn 6,6 tấn/ngày. Lò đốt thứ hai xây dựng tại xã Tây Giang có diện tích hơn 6.600m2; thực hiện thu gom, xử lý rác tại khu vực xã Tây Giang, Tây Thuận, Vĩnh An với tổng khối lượng rác thải phát sinh hơn 9,9 tấn/ngày. Ngoài ra, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, tự giác tham gia dịch vụ thu gom rác thải, góp phần bảo vệ môi trường.

CÔNG LUẬN (baobinhdinh.com.vn)